Bài viết tổng kết nửa năm 2023, cũng mình ngó lại xem nửa năm vừa rồi chúng mình đã làm được gì nhé.
Bớt bận tâm đến suy nghĩ của người khác
Trước đây mình từng được nhận xét là “Tại sao mình cứ phải gồng làm nhiều thứ như vậy? Tại sao không san sẻ với người khác, chia sẻ những áp lực đó với người khác có phải thoải mái hơn không?”. Mình cũng không suy nghĩ gì nhiều cho đến khi mình tham gia buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ Hanoi Xplorers Toastmasters, chị Dung Nguyễn đã có bài diễn thuyết nói về việc chấp nhận nói ra bản thân yếu đuối. Khi về đến nhà, mình nghe thầy Minh Niệm giảng đạo, thầy nói rằng bước đầu tiên để chữa lành là thừa nhận. Vậy nên, hôm nay mình cũng muốn thừa nhận là năm 2022, đầu năm 2023 mình burnout (kiệt sức) thật sự.
Trong bài viết “Lặng ngắm một thanh xuân quay cuồng” trước đây, mình từng chia sẻ là sức khoẻ thể chất mình bị ảnh hưởng vì áp lực công việc. Câu chuyện không hoàn toàn do mình quá chú tâm đến công việc mà bỏ lơ sức khỏe, mà là do mình không có kinh tế để đi khám. Đỉnh điểm trong vấn đề về sức khỏe thể chất là khi mình bị ốm, mình không có tiền mua thuốc cho bản thân khi trong ví chỉ còn đúng 5.000đ.
Lúc đó mình đã bán rất nhiều sách vở thời cấp 3 cho cô thu gom giấy vụn và nhận lại 20.000đ. Cảm giác lúc đó, với vốn từ hạn hẹp, mình không diễn tả nổi bằng ngôn từ. Mình cảm tưởng cả 3 năm cấp 3 bố mẹ cho bao nhiêu tiền mua sách, cho đi học chỉ đổi lại được 20.000đ.
Trong thời gian khó khăn về kinh tế đó, mình không muốn nhờ sự giúp đỡ, mình không muốn vay ai, vì mình nghĩ là vay không biết bao giờ trả được. Giống như nhân vật chú ngựa Horse trong phim hoạt hình “The Boy, the Mole, the Fox and the Horse” từng nói.
“What is the bravest thing you’ve ever said? asked the boy.
‘Help,’ said the horse.“
– Phim The Boy, the Mole, the Fox and the Horse
Tạm dịch:
“Điều dũng cảm nhất mà chú từng nói là gì vậy? Cậu bé tò mò.
“Giúp tôi với” Chú ngựa trả lời.
Đúng vậy, chắc hẳn, câu nói mạnh mẽ nhất của những người tự lập là nhờ sự giúp đỡ. Ừ, chắc mình cũng không đủ mạnh mẽ được như vậy đâu.
Trong khoảng thời gian đó, mình cảm ơn anh Vượng câu lạc bộ Hanoi Speakers Toastmasters đã giúp mình có công việc tạm thời để sống qua ngày.
Khi mình đọc cuốn sách “The subtle of not giving a f*ck” (Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm) – quyển sách khiến mình trưởng thành hơn rất nhiều – mình thấy bản thân bớt bận tâm đến những lời nói của người khác và chú ý đến bản thân hơn.
Mọi người có thể nói mình phải gồng lên như vậy để làm gì. Để ít nhất là có thể tồn tại đứng trên đôi chân mà không phải nhờ vả mọi người, vì mọi người dành thời gian quan tâm, giải quyết chuyện riêng của mình cũng đủ rồi. Mọi người cũng có thể nói mình không quan tâm đến ai, … Ừ thì cũng đúng đấy, mình nghĩ mình chỉ quan tâm đến mình, bố mẹ, anh chị là cũng đủ lắm rồi.
Trong Podcast “Have a sip”, Thầy Giản Tư Trung từng chia sẻ rằng khi chưa trưởng thành, ta sống theo kiểu “your way”, sống theo cách của người khác. Khi trưởng thành hơn, ta sống theo cách “my way”, sống theo cách của bản thân mình. Nhưng khi trưởng thành hơn nữa, ta sống theo “our way”, sống theo cách của chúng ta.
Mình nghĩ bây giờ mình đang ở giai đoạn sống theo cách “my way” – theo cách của mình. Trước đây, mình từng là một “people pleaser”- kẻ chiều lòng người khác – khi sống theo “cách của người khác” quá nhiều và quên mất bản thân. Ví dụ điển hình là mình rất rất rất bận thời đại học nhưng vẫn đi ngồi làm bài tập hộ bạn (và rồi lần thứ 3 bắt gặp bạn ấy đi chơi, còn mình ngồi làm hộ) chỉ vì không thể từ chối khi các bạn nhờ giúp đỡ.
Bây giờ, mình tự tin hơn (xíu) và có thể sống theo cách của mình mà không quan tâm đến các mọi người nghĩ. Mình có thể sẵn sàng rời bữa tiệc/sự kiện mà không cảm thấy bản thân là “party popper” – kẻ phá đám, mình dễ từ chối sự nhờ vả giúp đỡ của người khác dễ hơn để chiều chuộng sức khoẻ thể chất và tinh thần của mình.
Bây giờ, mình chưa biết sống theo “our way” – theo cách của “chúng ta” – là như thế nào. Có thể mình chưa đủ trưởng thành, nhưng cũng không sao, mình có cả 70 năm nữa để hiểu mà.
Chịu trách nhiệm với các lựa chọn ưu tiên và Bớt sống hình thức
Khi đi leo núi dịp nghỉ lễ 30/04-01/05, một em trong đoàn đã từng hỏi mình “Chị có tự hỏi lý do tại sao mình ở đây không? Em tự hỏi mình đang làm cái gì ở đây”.
Dù chỉ đáp lại là “chị không” và không nói gì thêm, nhưng trong thâm tâm mình nghĩ rằng: mình biết lý do mình ở đây chứ. Quan trọng hơn, mình chịu trách nhiệm với lựa chọn này, vì một khi đã quyết định, mình sẽ không băn khoăn nữa. Không có quyết nào được gọi là sai lầm, chỉ có bài học thôi đúng không?
Mình không nghĩ có gì được gọi là “cân bằng” cuộc sống. Trong mỗi giai đoạn trong cuộc đời, sẽ có những khía cạnh mình cần ưu tiên hơn.
Theo nguyên tắc 4 lò lửa, có 4 khía cạnh trong cuộc sống: gia đình, bạn bè, công việc và sức khoẻ. Nếu thời gian và năng lượng mình có chia đều hết cho 4 khía cạnh thì tất cả mọi thứ của mình đều bình thường. 100% chia đều thì mọi khía cạnh mình có sẽ là 25% cho mỗi khía cạnh mà thôi. Vậy nên, nếu lý tưởng nhất, chỉ có thể dành thời gian cho 2 khía cạnh trong cùng một khoảng thời gian nếu muốn thực sự xuất sắc. Nó đồng nghĩa với việc nếu bạn muốn dành thời gian cho công việc và gia đình, có thể bạn bè và sức khoẻ sẽ không được chăm chút. Bạn lựa chọn các khía cạnh khác cũng như vậy.
Câu nói quen thuộc cho việc cần ưu tiên này, cũng như bất cân bằng này là “ước gì trước đây dành thời gian nhiều hơn cho gia đình” của những người thành công, vì đơn giản họ ưu tiên công việc hơn những năm tháng tuổi trẻ, nhưng cũng vì ưu tiên như vậy nên họ thành công và ngồi đó chia sẻ lại như thế.
Với phụ nữ, dường như việc cân bằng này được “gán mác” và được coi là “điều đương nhiên” từ nhiều thập kỷ. Từ trước khi thành công, phụ nữ thường được “dặn dò” là học ít thôi, làm ít thôi, lên chức làm gì, đừng làm cao quá để dành thời gian cho gia đình. Thậm chí, đến cả khi phụ nữ thành công, họ cũng được đặt các câu hỏi như “Làm thế nào chị có thể cân bằng được công việc và gia đình?” mà câu hỏi này không hề được đề cập đến các nhà quản lý là nam. Bạn có thấy thật lạ nếu nam giới thành công được đặt câu hỏi này không?. “Làm thế nào để ANH có thể cân bằng giữa công việc và gia đình” ư? Nghe thật lạ lẫm. Với quản lý nam, họ chỉ được đặt những câu hỏi về tầm nhìn công ty trong những năm tiếp theo, bí quyết thành công, … mà không hề đả động gì đến gia đình. Dường như gia đình là một thứ gì đó “gắn chặt” lấy người phụ nữ. Càng lớn mình càng thấy phụ nữ không phải là con người, mà là siêu nhân cứu rỗi thế giới.
Phụ nữ cũng bị ra rả câu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” khi có một thành tựu gì đó. Mình cảm thấy quá mệt mỏi nếu làm tốt cả hai vai trò như vậy, mình chỉ xin một vế của câu đó thôi, vế “đảm việc nhà”, xin phép chỉ đảm 50% để partner (người bạn đồng hành) đảm nốt 50% còn lại.
Mình chia sẻ góc nhìn này không phải để nói phụ nữ không cần phải hoàn thành việc nhà, chỉ chăm chú cho công việc. Mình muốn nói là việc xây dựng gia đình nên đến từ cả nam và nữ. Cả nam và nữ hãy là những người thành đạt trong công việc và 50% làm tốt trong gia đình.
Việc lựa chọn ưu tiên khía cạnh nào không đúng hay không sai, nó chỉ phù hợp với từng người. Việc đáng bàn chỉ là: chịu trách nhiệm với các lựa chọn ưu tiên của mình và biết giới hạn/điểm dừng để không đi quá xa.
Đối với mình, bố mẹ và chị gái luôn hiểu cho mình và kéo mình lại. Bố mẹ sẽ gọi điện cho mình trước nếu mình quên mất việc cả tuần rồi không gọi về nhà hay không hỏi thăm bố mẹ. Chị gái mình thì sẽ gửi ảnh cháu trai hoặc hỏi thăm mình để kéo mình lại.
Trong những ngày tháng tập trung vào công việc này, mình cũng bớt sống hình thức hơn. Mình chọn cách, dù chỉ có thời gian ít, nhưng dành thời gian trọn vẹn dành cho bố mẹ và mọi người. Nếu mình chỉ có vài tiếng đi chơi, thì dễ dàng nhận ra mình sẽ “be present” – “sống cho thực tại” khi không dùng điện thoại trong suốt thời gian đó (nhưng cũng phải có một số lúc ngoại lệ).
Mình khá “dị ứng” với việc 365 ngày thì 364 ngày làm bố mẹ buồn, rồi những ngày đặc biệt (sinh nhật bố mẹ, 08/03, 20/10) thì “tạ lỗi” bố mẹ bằng những bó hoa, quà mừng. Bây giờ mình mới cảm nhận được sự chân thành trong câu nói “hãy để mọi ngày đều là ngày 08/03 của bố mẹ”, nếu bạn không thể để bố mẹ vui mỗi này, thì đừng làm bố mẹ phải bận lòng nhiều. (Nhưng nếu hằng ngày bạn không làm bố mẹ buồn và những dịp quan trọng tặng quà thì vẫn sẽ tốt, chỉ là đừng lấy những ngày đó để làm cái cớ, sự bù đắp cho những ngày làm bố mẹ buồn trong năm). Nếu bạn muốn biết, thì mình không hay tặng quà bố mẹ những ngày lễ đó, món quà mình dành tặng bố mẹ là dành thời gian cho bố mẹ nhiều hơn, không để bố mẹ phải bận tâm quá nhiều lúc lớn tuổi, bố mẹ cũng xứng đáng được nghỉ ngơi sau khi đã nuôi bạn lớn từng này rồi đúng không? Hãy để cho bố mẹ được “về hưu” trong việc chăm nom bạn.
Đánh mất bản thân và Chấp nhận bản thân
“Don’t lose yourself on the way to the top”.
– Jack Welch
Tạm dịch: Đừng đánh mất bản thân trên con đường đến sự thành công.
Trong những ngày tháng burnout (kiệt sức) kéo dài từ năm 2022 đến đầu năm 2023, mình cũng đánh mất bản thân mình đấy. Những ngày tháng cuối năm, mình không còn thấy bản thân là một con bé vui vẻ, tươi cười được như trước nữa (nhưng may quá không đụng vô tệ nạn xã hội hay đi ngược lại quy chuẩn về đạo đức, mình vẫn là người làm giáo dục mừ).
Thời gian đó khá chông chênh với mình, mình mới thôi hoạt động ngoại khóa, gần kết thúc việc học ở trường, chưa chủ động tìm việc làm. Mình bị mất tự tin hơn vì không có “điểm bám” khi giới thiệu bản thân mình. Vậy nên khi tham gia sự kiện cuối năm của OV Hanoi, dù phải đóng 500.000đ để tham gia, mình về trước khi sự kiện bắt đầu. Mình mất tự tin khi thiếu hiểu biết về nhiều ngành và người tham gia quá giỏi giang.
Vậy nên mình thấy sự tự tin không phải đến từ bên ngoài: bộ đồ hiệu đang mặc, ngoại hình, … mà sự tự tin xuất phát từ bên trong. Nghĩa là bạn hiểu biết thế nào, tầm nhìn thế nào, bộ óc cởi mở thế nào, mindset thế nào … Những “vẻ đẹp tri thức” đó sẽ khiến bạn có khí chất từ bên trong mà không cần phải cố gắng tạo dựng từ bên ngoài.
Hiện tại, mình cũng xây dựng lại sự tin từ bên trong, tìm hiểu kiến thức về công việc, cuộc sống, thay vì chỉ có hoạt động ngoại khóa như trước.
Việc xây dựng lại sự tự tin, khí chất cũng bắt đầu từ việc chấp nhận bản thân mình. Mình chấp nhận bản thân là người có một đống khuyết điểm cần cải thiện, mình là người không phải 100% tốt, …. Nếu như trước đây mình rất cố gắng để “fit in” phù hợp với môi trường xung quanh, phải là một bạn trẻ chơi hệ Gen Z khi phải hướng ngoại mọi lúc mọi nơi, thích tiệc tùng, …. . Nhưng giờ mình chấp nhận bản thân là một con bé khi trong đám đông không nói nhiều, chỉ nói khi cần thiết, không quá ép buộc bản thân phải đi networking (giao lưu) nhiều. Mình chấp nhận phần trầm lắng, nhiều chữ của bản thân. Sống bản thể thực nhất, nguyên bản – authentic. Không cần quá cố gắng là một người với những tính cách không phải mình. Bởi vì “those who mind don’t matter and those who matter don’t mind” (người để bụng thì không quan trọng, còn người quan trọng thì sẽ không bận tâm) đúng không?
“Be yourself. Everyone else is taken”.
– Oscar Wilde
Tạm dich:
Hãy là chính mình, những người khác đều đã thay đổi để phù hợp với khuôn mẫu xã hội rồi.
Tái bút
Có một câu nói đùa mình nghe đâu đó là Thực tập Big4 4 tháng mà về làm podcast chữa lành. Cũng gần đúng với mình khi mình làm founder – Điều phối dự án 1 năm mà dành nửa năm tiếp theo viết blog chữa lành là có thật.
Nửa năm vừa rồi mình không có sức tham gia các hoạt động khác quá nhiều. Mình tập trung đi làm và phát triển bản thân (nâng trình Tiếng Anh, đọc thêm sách, …), hiểu và chấp nhận bản thân. Mình xây dựng kiên cố hơn nền móng bên trong – vẻ đẹp tri thức. Nếu nói thành công nhất 6 tháng đầu năm của mình là gì thì đó sẽ là hành trình tìm lại nụ cười của bản thân.
Giống như con giáp của mình – con mèo, năm 2023 là năm rình mồi của mình. Để 2024, bắt mồi và tận hưởng thôi. Năm sau là Rồng thì phải làm “Con Rồng Châu Á, khuấy động tôm cá Thái Bình Dương” chứ đúng không? Chúc các bạn “cá chép” 99ers của tôi năm sau đều “hóa rồng” nhé.
Mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua thôi, trên hành trình này, đừng bỏ cuộc nhé.
iu bạn 3000 <3