Trong số tất cả những người mà mình từng gặp, từng biết, bố mẹ mình vẫn là những người tốt nhất. Không những đối xử tốt với anh em trong gia đình, bố mẹ mình còn sống rất tử tế với mọi người xung quanh.
Ông cha ta thường nói “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”, chắc bố mẹ mình “ăn ngọt” nên mình cũng được hưởng lây. Vì yêu quý bố mẹ mình, mọi người cũng yêu quý mình hơn (vì mình có dành thời gian bên mọi người đâu mà yêu quý mình được). Bố mẹ không trực tiếp khuyên nhủ mình cần sống tốt bao giờ, nhưng luôn làm gương cho mình về cách sống, cách đối nhân xử thế với người khác.
Người tốt và người tử tế khác nhau?
Trong cuộc sống thường ngày, khi mình cảm nhận người khác tốt, mình sẽ khen họ trước mặt, hoặc sau lưng rằng họ là người tốt. Tuy nhiên, sếp mình luôn khen người khác là tử tế. Điều đó khiến mình suy nghĩ: “Người tốt và người tử tế có khác nhau không?”
“Lòng tốt thuộc tính cách (tốt bụng) và sự tử tế là hành vi thể hiện, trạng thái ứng xử. Tốt bụng thường là bẩm sinh nhưng sự tử tế là do giáo dục, môi trường tạo nên”.
– Theo Phaly (Báo Pháp luật Việt Nam)
Hay theo như bài viết: Sự tử tế và lòng tốt – Giá trị và lợi ích cho bạn:
“Sự tử tế là nền tảng của lòng tốt. Lòng tốt giúp ta phát triển lòng trắc ẩn và là con đường hướng bước ta đến với lòng từ bi.” [..] Sự tử tế và lòng tốt cũng gần giống nhau. Điểm khác nhau là sự tử tế chỉ dừng ở mức độ lịch sự, ôn hòa, nhã nhặn. Còn lòng tốt là khi ta làm điều gì ta luôn có tác ý mong muốn điều tốt đẹp đến với người khác.”
– Website Cảm ơn cuộc đời
Tham khảo thêm bài viết: “Đôi điều về lòng tốt” của mình đã viết ngày 08/02/2023.
Có cần tử tế mọi lúc?
Có một thí nghiệm tâm lý như sau:
“Một con tàu mất phanh đang lao về phía trước, nơi có 5 công nhân đường sắt đang làm việc. Nếu toa tàu rẽ sang phải, thì 5 công nhân kia sẽ được cứu nhưng ở bên phải lại có 1 công nhân khác. Nếu bạn đang đứng ở vị trí bẻ ghi, quan sát tất cả, bạn sẽ làm gì? Sẽ để đoàn tàu cứ thế lao về phía trước, đồng nghĩa với việc 5 người phải chết, hay sẽ rẽ sang phải, chấp nhận để 1 người chết và cứu sống 5 người?“
– Nguồn: Báo Công an nhân dân
Mình đã đặt câu hỏi này với bạn bè, anh chị và những người xung quanh, mình thấy lạ rằng, cả thí nghiệm và những người xung quanh của mình đều trả lời là sẽ bẻ ghi để cứu 5 người và để 1 người chết. Tuy nhiên, mình thì nghĩ khác, mình sẽ không làm gì, hay nói cách tiêu cực hơn, mình sẽ đứng nhìn 5 người kia bị chết và để cho 1 người sống (tất nhiên khi đã thử tất cả các cách khác để cứu 5 người kia: la lên cảnh báo họ, cảnh báo lái tàu, …). Dù điều này chắc chắn sẽ khiến mình sẽ gặp nhiều ác mộng khi đứng nhìn họ chết như vậy mà không làm gì.
Là một “mầm non” lãnh đạo, đó không phải là quyết định sáng suốt khi mình không hi sinh lợi ích nhỏ (1 người) để có được lợi ích lớn hơn (5 người). Nhưng đây là vấn đề về đạo đức, không phải vật chất.
Lý do mình không làm gì là vì mình nghĩ “cái gì xảy ra là nó phải xảy ra”, “để số phận quyết định” hay nói cách khác: mình không thể kiểm soát được tất cả mọi thứ, sẽ có những điều không được như ý mình. Vì vậy, thay vì “trực tiếp” giết hại 1 người khi bẻ ghi đường tàu, mình sẽ để mọi chuyện xảy ra như nó phải xảy ra sau khi đã thử hết cách. Việc bạn can thiệp vào quá nhiều việc của người khác có thể sẽ tước đi quyền được học hỏi qua trải nghiệm của họ. Điều này cũng khiến mình biết ơn, vì bố mẹ luôn để mình tự do trải nghiệm, học hỏi, vấp ngã, tự đứng dậy rồi bước tiếp, tin tưởng mình và không can thiệp nhiều chuyện của mình.
Có lẽ, bớt tử tế hơn trong một số thời điểm chả thể khiến ta trở thành người xấu, vì nếu muốn đánh giá một con người, cần đánh giá tổng thể, chứ không phải một hành động không tốt của họ mà quy chụp họ là người xấu. Có lẽ vì vậy mới có những mức án khác nhau dành cho những người vi phạm pháp luật, chứ không có án tử hình dành cho mọi người khi mắc lỗi sai.
Có phải người tốt luôn là người giúp đỡ người khác?
Khi mình lớn lên, khái niệm về sự tốt bụng của mình cũng thay đổi theo. Với mình, người tốt không nhất thiết phải là nhà hảo tâm, giúp đỡ cộng đồng, làm việc thiện nguyện, … Chỉ cần bạn tập trung vào công việc mình đang làm, hoàn thành tốt nhất những gì có thể, không làm hại đến ai, đến cộng đồng, xã hội thì đó là nhân đạo lắm rồi. Mọi người không cần phải trở thành người tốt, chỉ cần lựa chọn làm việc tử tế là xã hội có lẽ sẽ khác lắm rồi.
Đối với mình, mình không cho rằng bản thân là người tốt. Mình vẫn là người bình thường, “người trần mắt thịt” với những ham muốn về địa vị, vật chất, … Nhưng mình lựa chọn làm điều tử tế nhiều nhất có thể, chắc để tích đức cho mình, và cho mọi người xung quanh. Một Gen Z tin vào luật hoa quả nhé. Hehee.
Tái bút
Là một “mầm non” lãnh đạo, đôi khi việc mình từ chối giúp người khác mình cũng áy náy lắm. Nhưng mình nghĩ lại, việc của lãnh đạo không phải “be nice” – tử tế. Việc của mình là “Get the work done”, đảm bảo doanh số và công ăn việc làm cho người khác, trả lại họ thu nhập xứng đáng cũng là một cách giúp đỡ họ. Giống như trong cuốn sách “Leader who had no title” có câu:
“The best way to help poor people is to make sure you don’t become one of them”
– Robin Sharma
Tạm dịch: “Việc nhân đạo nhất bạn làm đối với nghèo là không trở thành một trong số họ.”
Có lẽ chúng mình nên viết lại định nghĩa về sự tốt bụng, sự nhân đạo và sự tử tế.
Bài viết được hoàn thành ngày 15/07/2023, một số những suy nghĩ có thể sẽ thay đổi trong tương lai.