Theo thời gian, suy nghĩ của mình về việc viết và trở thành người nổi tiếng cũng thay đổi theo. Hãy cùng xem đó là gì nhé.
1. Suy nghĩ trước đây: không muốn được nhiều người biết đến vì:
1.1. Sợ bình luận tiêu cực
Mình rất kín tiếng trên mạng xã hội. Một phần vì là người hướng nội (khi về đêm & khi về nhà), một phần là vì mình không muốn người khác bình luận tiêu cực về mình khi họ không hiểu hoàn toàn con người mình, thậm chí, họ có thể đưa thông tin sai sự thật về mình. Vì vậy nên mình cũng thích dùng Instagram hơn Facebook, vì nếu một người kết bạn với mình, mình có thể hoàn toàn xem xét có nên chấp nhận lời mời kết bạn này không. Nói cách khách, mình nắm quyền chủ động về việc để người đó biết về cuộc sống của mình hay không, có cho họ bước vào cuộc sống của mình hay không, có nhận được sự chú ý của mình hay không. Còn nếu như Facebook, kể cả mình không chấp nhận kết bạn, họ vẫn có thể đang following (theo dõi) mình khi mình có những bài đăng để chế độ public (mọi người đều có thể xem).
Anh Tarot Reader từng bảo với mình rằng mình có số làm người nổi tiếng. Khi đó, mình sẽ truyền cảm hứng cho mọi người biết đến mình. Mình bảo là mình khá hướng nội và không thích scandal (lùm xùm) nên chắc điều này không khả quan. Anh ý bảo rằng mình thử nghĩ theo hướng khác đi. Rằng bê bối giống như một đợt sóng cho con thuyền. Nếu mình tận dụng được việc xuôi dòng, mình có thể dùng vận tốc dòng nước và di chuyển nhanh hơn. Tuy nhiên, đừng để đợt sóng đó quá mạnh khiến con thuyền của mình bị nhấn chìm.
1.2. Sợ nhiều người biết câu chuyện cá nhân
Khi chia sẻ về bài viết Năm 2023, mình đã trưởng thành hơn như thế nào (phần 2) trên Facebook cá nhân, website của mình tiếp cận được đến cột mốc 1.000 người. Con số này là quá lớn với mình, mình bị choáng ngợp nên mình ẩn bài chia sẻ đó đi. Mình lo sợ rằng quá nhiều người biết câu chuyện cá nhân của mình.
Càng lớn, càng viết nhiều, kỹ năng viết của mình ngày càng tốt lên. Song hành cùng với nó là mình ngày càng không muốn được nhiều người biết đến, về câu chuyện cá nhân, về cuộc đời của mình. Mình muốn giữ vài thứ nhỏ bé, nhưng quan trọng cho riêng mình, chỉ riêng mình thôi, đó là 1 gia đình bình thường, 1 mối qua hệ yêu đương bình thường. Mình có thể chia sẻ nhiều thứ khác, nhưng riêng hai thứ này, mình không muốn nó là của ai hết, nó là của riêng mình thôi.
1.3. Lo sợ suy nghĩ ảnh hưởng đến giới trẻ
Mình cũng là con người, dù đầu óc cởi mở thế nào, mình có những thiên kiến cá nhân một cách vô thức. Suy nghĩ của mình cũng có những sự chủ quan nhất định được hình thành từ nơi mình sinh ra, văn hóa mình đang sống, tầng lớp xã hội mình thường xuyên tiếp xúc, … Mình không muốn suy nghĩ của mình góp phần định hình suy nghĩ giới trẻ, thế hệ tương lai của cả một đất nước, một dân tộc.
2. Suy nghĩ hiện tại: mình bớt lo sợ và đón nhận những thứ đến với mình. Vì:
2.1. Mình không thể để bình luận vài giây ảnh hưởng tới mình được
Thỉnh thoảng, khi đối mặt với cùng một vấn đề, sự khác nhau giữa phản ứng của mình và người yêu mình khiến mình nhận ra nhiều điều. Người yêu của mình có một chú chó tên B. Anh ấy có nói với mình rằng đừng để các đồ vật trong tầm với của chú chó (khi nó đang bị xích) vì nó có thể sẽ cắn món đồ đó khiến nó bị hỏng. Từ đó, mình sẽ là người giảm thiểu tối đa việc để đồ gần chú chó nhất có thể, nhưng khi mình quên, mình sẽ không mắng vì mình nghĩ lỗi tại mình vì mình để đồ như vậy. Còn anh ấy, khi mình thấy chú chó cắn món đồ nào đó, sẽ mắng ngay. Mình sẽ không để điều đó xảy ra, còn người yêu mình sẽ huấn luyện cho chú chó biết là điều đó là điều không được phép làm.
“Are you trying hard not to fail or try hard to learn how to fly?” by Lost with pleasure.
(Tạm dịch: Bạn đang nỗ lực để không bị vấp ngã hay học cách sải cánh bay lên?”).
Chính mình là người đang nỗ lực để không bị vấp ngã, không bị ảnh hưởng bởi bình luận tiêu cực, thay vì thử xem khả năng viết của mình có thể đưa mình đi đến đâu.
Mình cũng nhận ra rằng mình không thể khiến tất cả mọi người đều yêu quý mình, hay ngăn mọi người không thích mình. Hơn nữa, nếu họ có bình luận tiêu cực về mình đi chăng nữa, mình không thể để vài giây bình luận của cuộc đời họ mà mình mất vài ngày của cuộc đời mình để buồn được.
2.2. Không phải ai cũng thích nội dung dài
Khi nhớ lại bài viết đã tiếp cận được 1.000 người của mình, mình nghĩ rằng bài chia sẻ đó của mình có nhiều lượt thích nhưng không phải ai cũng đọc hết toàn bộ bài viết của mình. Mình thấy rằng mọi người có thể dành hàng nghìn thời gian để xem hàng nghìn video trong vài giây, còn hơn là dành vài phút để đọc 1 bài viết dài của mình.
2.3. Việc viết & trở thành người nổi tiếng đem lại nhiều lợi ích
2.3.1. Lợi ích cho bản thân
Đầu tiên, việc viết khiến các suy nghĩ trong đầu của mình rõ ràng hơn. Từ đó, mình hiểu rằng mình đang cảm thấy thế này, đây là vấn đề mình đang gặp phải, và việc tiếp theo mình nên làm là gì. Hơn nữa, việc viết khiến mình cảm thấy như là mình có thêm một người bạn luôn lắng nghe mình, mà mình có thể tin tưởng hoàn toàn để chia sẻ.
Thứ hai, việc viết khiến mình tự tạo ra cộng đồng mình muốn sống. Giống như việc bạn như thế nào thì bạn thu hút những người có năng lượng như vậy. Mình sẽ tạo ra cộng đồng gồm các bạn thích phát triển bản thân, muốn cống hiến cho cộng đồng và có lối sống tích cực.
Thứ ba, việc viết và trở thành người nổi tiếng khiến mình có nhiều cơ hội hơn trong công việc. Đơn cử như MC Khánh Vy, từ một clip bạn ý nói 7 thứ tiếng viral mà bây giờ bạn ý ngày càng có thêm nhiều cơ hội (trở thành MC, đóng MV ca nhạc, …) hơn đúng không nào? (Đừng hiểu nhầm ý mình nhé, như trong bài viết Kỷ niệm và Chiêm nghiệm về hành trình leo núi Lảo Thẩn – Phần 1, thì việc nổi tiếng ở đây là bước đệm, khiến bạn ý có bước nhảy vọt trong sự nghiệp, còn lại thì bạn ý đã xây nền móng rất vững chắc về khả năng tiếng anh rồi nhé).
2.3.2. Lợi ích cho cộng đồng
Như trong bài viết Hành trình tham gia chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) – Phần 6 mình từng chia sẻ, chúng mình không bao giờ nhỏ bé để tạo tác động đến xã hội. Tuy nhiên, nếu mình nổi tiếng và là người có ảnh hưởng, hành động của mình sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn nữa. Ví dụ như chị Hanah Olala, Theo như VnExpress, chị Hannah Olala quyên góp 25 tỷ đồng cho UNICEF Việt Nam, chính thức là thành viên Hội đồng Nhà Tài trợ Toàn cầu của UNICEF, cam kết quyên góp 1 triệu USD, từ 17/5/2024. Chị sẽ là tấm gương cho mọi người, một trong số đó có mình, hành động nhiều hơn nữa cho cộng đồng.
Tái bút
Bạn nghĩ gì về những suy nghĩ trên của mình? Bạn có muốn trở thành người nổi tiếng không? Tại sao? Chia sẻ suy nghĩ của bạn cho mình nhé.
A Mindful Observer.