Trong bài viết “Mình nghĩ gì về những bài học cuộc đời? (Phần 1)“, mình có đề cập đến những sai lầm và các bài học. Vậy còn phần 2, mình chiêm nghiệm điều gì?
Những bài học dù đơn giản nhưng vẫn đáng để nhắc lại
Với những nội dung phát triển bản thân, bạn có thể thấy những bài học không quá nhiều. Chung quy lại, nó sẽ quy về 4 khía cạnh quan trọng nhất của cuộc sống: Nội tâm, Sức khỏe, Mối quan hệ, Tài chính.
Nhân tiện đây, mình cũng muốn chia sẻ về bốn khía cạnh này, nó giống như bốn yếu tố để tạo nên một ngôi nhà. Nội tâm là nền móng; Sức khỏe và Mối quan hệ là hai trụ cột; còn Tài chính là mái nhà. Nội tâm đóng vai trò quan trọng để những yếu tố còn lại trường tồn. Ví dụ, nếu bạn hiểu về các điểm mạnh, điểm yếu, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, sở thích của bản thân, bạn có thể kiếm thu nhập từ công việc phù hợp với những đặc điểm đó, từ đó, Nội tâm củng cố về Tài chính cho bản thân. Nếu bạn hiểu được giới hạn về thể chất, sức khỏe tinh thần, bạn có thể tìm được môn thể thao, hình thức giải trí phù hợp, từ đó Nội tâm sẽ củng cố cho Sức khỏe. Nếu bạn hiểu điều gì mình đang tìm kiếm ở một người bạn, người bạn đời, giá trị nào mà bạn trân trọng trong một mối quan hệ, từ đó Nội tâm sẽ khiến các Mối quan hệ của bạn thăng hoa.
Mọi người thường chú trọng tập trung vào xây dựng mái nhà (hay Tài chính), vì vậy nhiều người giàu có về tiền bạc nhưng nghèo nàn về mối quan hệ, sức khỏe hay không hiểu bản thân đang muốn tìm kiếm điều gì nên khiến bản thân không hạnh phúc.
Trở về nội dung chính, cách thức để phát triển 4 khía cạnh này có thể đa dạng, nhưng những bài học không nhiều. Ví dụ như nội dung về quản lý thời gian, làm việc năng suốt, trau dồi kỹ năng có thể quy về tài chính; nội dung về nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc thú cưng có thể quy về mối quan hệ, …
Những bài học thì không nhiều. Nó vẫn sẽ là những điều đơn giản những không ai làm (nên quản lý thời gian hiệu quả, làm việc năng suất, …). Nhưng những điều đơn giản đó vẫn đáng để nhắc lại.
Trở thành người thầy của chính mình
Người ta hay nói là ““When the student is ready, the teacher will appear” – tạm dịch là “khi người học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”. Vậy có phải là cứ phải chờ đến lúc “người thầy” xuất hiện thì mình mới học được điều gì đó không? Nếu người thầy đó không sẵn sàng chỉ dạy cho mình thì sao? Làm thế nào để gia tăng cơ hội học hỏi mà không bị phụ thuộc vào một nhân tố khác từ bên ngoài như vậy?
Cuộc sống ngày càng phát triển, việc học hỏi & trau dồi kiến thức ngày càng quan trọng. Đi cùng với đó, có nhiều hình thức học tập & nguồn học tập cũng đa dạng hơn để mình lựa chọn. Với kỹ năng tự học, giờ đây, chúng mình có thể trở thành người thầy của chính mình, bằng cách tự học và trau dồi kiến thức mỗi ngày.
Qua đây, mình cũng mong muốn thay đổi nhận thức của mọi người về việc học. Việc học tập không đơn thuần chỉ là học tập kiến thức từ tiểu học lên đại học, việc học còn là học kỹ năng (vì người yêu mình, bây giờ mình cũng kỹ nấu ăn là một kỹ năng mà mình cần học : ) ), và việc học tập là suốt đời. Vì vậy nên mình cũng thấy khó chịu khi mọi người hay hỏi là “không còn phải học nữa đúng không” khi mình học xong đại học. Việc học tập suốt đời là điều cần thiết để mình và các bạn phát triển & trở thành những công dân tốt, đem lại giá trị cho cộng đồng.
Tái bút
Đây là những dòng suy nghĩ của mình về những bài học của cuộc đời. Còn bạn, bạn nghĩ như thế nào? Bạn có đồng ý với mình không? Cùng chia sẻ với mình nhé.
A Mindful Observer.