Vào ngày lễ tình yêu Valentine 14/02/2025 năm nay, cũng như những dịp đặc biệt khác, những người bạn trên Facebook của mình đều đăng ảnh người yêu, quà được tặng, …. Những thứ hầu hết là từ “nửa kia” dành cho họ. Mình thì không thích làm lãnh mạng hóa tình cảm cá nhân giữa người yêu và mình nên mình không thường xuyên chia sẻ public – rộng rãi đến tất cả mọi người. Nhưng nhân dịp này, mình muốn chia sẻ góc nhìn của một người con đối với mối quan hệ giữa bố và mẹ mình.
Mình rất ngưỡng mộ tình nghĩa của bố mẹ mình dành cho nhau. Mình muốn dùng từ “tình nghĩa” thay vì “tình yêu” vì có thể những người lớn ở thế hệ của bố mẹ mình chung thủy với nhau vì chữ “nghĩa” nhiều hơn chữ “tình”.
Đây là một bài viết được mình ghi chú trên chuyến xe khách trên đường đi du xuân với công ty ngày 14/02/2025. Bài viết dành tặng bố mẹ, con yêu bố mẹ nhiều. Tuổi thơ của con rất đẹp khi có bố mẹ đồng hành.

NGÔN NGỮ TÌNH YÊU
Trước hết, để nói về tình cảm giữa bố mẹ mình, mình muốn chia sẻ với các bạn một thuật ngữ, đó là “love language” hay còn được dịch sang Tiếng Việt là “Ngôn ngữ tình yêu”.
Theo như trang The 5 Love Languages, ngôn ngữ tình yêu có 5 loại:
- Act of service: For these people, actions speak louder than words.
- Receiving gifts: For some people, receiving a heartfelt gift is what makes them feel most loved.
- Quality time: This language is all about giving the other person your undivided attention.
- Words of affirmation: This language uses words to affirm other people.
- Physical touch: To this person, nothing speaks more deeply than appropriate physical touch.
(Tạm dịch:
- Hành động quan tâm, chăm sóc: đối với những người có ngôn ngữ tình yêu này, hành động quan trọng hơn lời nói.
- Nhận quà: Đối với họ, nhận được một món quà chân thành khiến họ cảm nhận được tình yêu rõ ràng nhất.
- Thời gian chất lượng bên nhau: Ngôn ngữ tình yêu này nói về việc bạn hoàn toàn chú tâm đến họ khi hai người có thời gian bên nhau.
- Nói lời yêu thương: Loại ngôn ngữ tình yêu này nói về việc bạn sử dụng lời nói để thể hiện tình yêu của mình.
- Những cái chạm: Đối với những người có ngôn ngữ tình yêu này không gì có thể sâu sắc và ý nghĩa hơn những cái chạm cơ thể.)

Việc hiểu các loại ngôn ngữ này rất quan trọng, nó giúp bạn thể hiện tình cảm của mình đúng cách, điều khiến người yêu của bạn mong muốn được đón nhận, để cảm thấy được yêu thương nhất. Ví dụ, ngôn ngữ tình yêu của bạn là “Hành động quan tâm chăm sóc”, của họ là “Nói lời yêu thương”. Vì vậy, nếu bạn thể hiện bằng cách dành cả mấy tiếng đồng hồ nấu ăn để anh ấy có bữa ăn ngon sau khi đi làm về. Nhưng khi về nhà, điều anh ấy cần chỉ là một câu hỏi thăm “hôm nay anh có mệt không” chả hạn. Bạn và anh ấy đều không cảm thấy thỏa mãn, không cảm thấy được trân trọng và yêu thương.
Hay nói cách khác, câu nói “treat people the way you want to be treated” (đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn được đối xử) không còn đúng trong một số trường hợp. Hiểu về ngôn ngữ tình yêu sẽ giúp bạn đối xử với người khác theo cách họ mong muốn được nhận.
Ngôn ngữ tình yêu của bố
Nếu theo dõi mình từ lâu, chắc hẳn bạn cũng biết mình dành phần lớn thời gian tuổi thơ với bố khi mẹ mình đi làm cả ngày, mình chỉ có cơ hội gặp mẹ buổi tối. Có lẽ đó cũng là một trong số lý do mình dễ cảm nhận và đoán được ngôn ngữ tình yêu của bố hơn.
1. Act of service – Hành động quan tâm, chăm sóc
Trong bài viết “Bố mẹ dạy mình điều gì về bình đẳng giới?” trước đây, mình có thể hiện phần nào đó bố thể hiện tình cảm bằng hành động như thế nào.


Mỗi ngày, vào lúc khoảng 4h sáng, bố sẽ đánh thức mẹ mình dậy đi làm (mẹ mình bán hàng khô trên Hà Nội, nên mỗi ngày di chuyển khoảng 50km từ ngoại thành lên trung tâm thành phố). Trong thời gian mẹ mình vệ sinh cá nhân, bố mình sẽ giúp mẹ mình chằng hàng lên xe máy, để khi mẹ mình chuẩn bị xong thì có thể lên xe và đi luôn.
Sau đó, bố mình đi tập thể dục ngoài trời, và chuẩn bị đồ ăn sáng cho các thành viên khác khi trở về. Cũng như vậy, bố mình chuẩn bị ăn trưa, và ăn tối cho cả nhà, để khi tối mẹ mình về sẽ có đồ ăn nóng hổi.
Không chỉ với mẹ và với gia đình, bố mình còn thể hiện sự quan tâm đến làng, xóm, thôn bằng cách còn đóng góp công sức vào các hoạt động chung.
2. Quality time – Thời gian chất lượng bên nhau
Mình chọn loại ngôn ngữ này vì nhiều lý do. Nhưng mình sẽ lấy ví dụ thể hiện nó rõ ràng nhất cho việc bố mình thích nhận được (cũng như cho đi) sự tập trung tuyệt đối cho đối phương như thế nào.
Mình thích làm việc có bàn ghế, vì cách ngồi như vậy sẽ làm mình tập trung và xong việc nhanh nhất. Tuy nhiên, khi viết blog, có thể là công việc mang tính sáng tạo phần nào đó, nên mình có thể ngồi bất cứ đâu. Trước đây, có lần mình và bố đang ngồi gần nhau ở phòng khách. Trong khi mình đang ngồi cầm laptop viết blog thì bố mình muốn nói chuyện với mình. Tuy nhiên, khi thấy mình đang đánh máy bố lại bảo thôi, sợ mình đang bận nên để khi khác nói. Mình thấy như vậy nên liền dừng lại, gập laptop luôn và chăm chú lắng nghe bố chia sẻ, dành sự tập trung của mình cho bố. Khiến bố mình cảm thấy vui và được tôn trọng nhất.



Ngôn ngữ tình yêu của mẹ
1. Quality time – Thời gian chất lượng bên nhau
Nếu bạn biết mẹ mình và hiểu về ngôn ngữ tình yêu, chắc hẳn bạn cũng đồng ý với mình vì điều này thể hiện rất rõ. Không chỉ tình cảm, khi làm gì mẹ mình làm cũng rất tập trung. Khi người đối diện muốn nói, muốn chia sẻ, mẹ mình sẽ không bao giờ dùng điện thoại hay làm việc khác mà sẽ lắng nghe bạn chăm chú. Một khi mẹ mình dành thời gian cho ai, mẹ dành toàn bộ sự chú tâm của mình cho họ.
2. Act of service – Hành động quan tâm, chăm sóc
Dù mẹ mình không ở nhà 24/7 nhưng cứ mỗi chiều chủ nhật, mẹ đều đi làm về sớm và dành thời gian cho gia đình. Mẹ chăm chút nhà cửa, nấu bữa ăn tối cho gia đình.
Vào các dịp quan trọng như ngày lễ Tết, mẹ đều dành thời gian chăm chút cho bố, hai chị em, anh rể và các cháu.

Ngôn ngữ tình yêu có thể thay đổi theo thời gian?
Điều này mình không dám chắc ngôn ngữ tình yêu có thể thay đổi dần. Nhưng từ khi mình ra ở riêng trên Hà Nội, khi bố mẹ ít có dịp để thiện sự chăm sóc (act of service) và thời gian (quality time) dành cho mình, bố mẹ thể hiện các ngôn ngữ tình yêu khác rõ hơn.
Bố mẹ cảm thấy thoải mái hơn khi nói yêu mình, nhớ mình bằng lời nói (Words of affirmation). Mẹ mình cũng thích ôm, mẹ thoải mái ôm mình dù giờ mình đã quá lớn rồi (Physical touch).


Tái bút
Chia sẻ như vậy không đồng nghĩa với việc bố mẹ mình hoàn hảo. Bố mẹ mình, không phải thần thánh, siêu nhân, cũng như bất cứ người bình thường khác, họ cũng có những điều thiếu sót và những lúc thăng trầm. Nhưng trên hết, họ đã vượt qua những ngày tháng đó cùng nhau. Mình thấy may mắn khi sinh ra là con của bố mẹ mình.
Chúc bạn sẽ luôn được yêu thương nhé, dù từ bố mẹ, từ người bạn đời, từ con cái, từ bạn bè, bạn cún cưng, hay bất cứ ai. Vì bạn xứng đáng được yêu thương mà.
A Mindful Observer.