Mình … là nạn nhân của bạo lực học đường.
Khi mình 12 tuổi và mới bước vào cấp 2, mình được một số bạn nam trong và ngoài lớp quan tâm, có lẽ là do vẻ ngoài khá ưa nhìn, khá hoàn đồng và khả năng học tập cũng không tệ. Tuy nhiên, việc mình chỉ thích một bạn nam sinh trong số đó khiến các bạn nam còn lại xúm lại và bắt nạt mình. Mọi người có thể nói rằng, lúc đó, khi còn là những bạn nam lớp 6, các bạn trẻ con, đấy là cách thể hiện tình cảm. Tuy nhiên, các bạn biết nó ảnh hưởng đến mình nhiều thế nào đến tận bây giờ không? Lúc đó mình cũng là trẻ con mà.
1. Ảnh hưởng tiêu cực
1.1. Khó tin tưởng vào tình cảm
Mình đối mặt với hai thái cực hoàn toàn đối lập. Trước khi bị bắt nạt, mình được những “kẻ bắt nạt” tung hô lên trời: tất cả đồng thanh gọi tên mình vào các giờ học khi giáo viên muốn gọi một người phát biểu, các giờ ra chơi đều vây kín cửa sổ để hỏi thăm mình, ….
Tuy nhiên, những tháng ngày sau đó bủa vây bởi một màu u ám khi mình và một bạn nam trong số đó quý nhau hơn. Và kể từ đó, mình bị bắt nạt bởi các bạn nam còn lại. Những chuỗi ngày hôm nào đi học thấm đẫm nước mắt của mình thật sự bắt đầu.
Đến đây, mọi người có thể thắc mắc rằng: thế khi bị bạo lực học đường, bạn mình thích (và thích lại mình) đang ở đâu? Chắc hẳn bạn ý sẽ đứng ra bảo vệ mình và báo cáo với giáo viên chủ nhiệm đúng không?
Và câu trả lời là không. Bạn ý bỏ rơi mình để quay lại với bạn gái cũ. Lúc đó tâm trạng mình không tốt. Mình cảm thấy mình là kẻ thay thế, người “tạm thời”.
Đến tận bây giờ, mình cũng thật khó tin vào tình yêu, vào các bạn nam khác, và mọi chuyện mình nghĩ cũng tệ hơn khi mình sinh ra vào thời đại này, thời đại mọi thứ thật dễ dàng. Chỉ cần vài giây tải Tinder hoặc bất cứ app hẹn hò nào khác, bạn có thể match được nhiều người, nói chuyện với nhiều người, hẹn hò với nhiều người. Do vậy, tội gì phải tốn công với một con bé cũng nhiều viết xước bên trong như mình.
Bố mình hay nói rằng sau này mà lấy người đào hoa quá, cứ chồng ra đường là sợ rồi. Nhưng mà đó là thời của bố mẹ, còn bây giờ, mình thấy nếu đã có tính nết đó, nên sợ từ nhà đi, vì từ nhà, với chiếc điện thoại đã có 7749 thứ cám dỗ rồi.
1.2. Không muốn người khác đụng vào cơ thể
Mình nhớ như in cái cảnh, trong giờ âm nhạc, giáo viên vừa bước ra khỏi lớp thì các bạn nam cầm quyển sách giáo khoa chạy ra chỗ mình và đập vào đầu mình. Lúc đó, tất cả những gì mình biết là cúi xuống bàn và lấy tay chống đỡ, và tất nhiên là khóc nữa mà thôi.
Đến tận bây giờ, mình có thể nói là mình không thoải mái khi người khác đụng vào người mình. Trừ khi mình cảm thấy thực sự tin tưởng họ mà thôi.
Mình nhớ một kỷ niệm khi đi date, một bạn nam đưa tay lên định vuốt tóc mình. Theo phản xạ tự nhiên là bảo vệ bản thân, điều mình làm là lùi người lại và tránh. Mình cũng hơi bất ngờ trước phản ứng đó cùa mình (và trên gương mặt của bạn đó), nhưng đúng, đó vẫn chỉ là mình thôi.
1.3. Không thể trông chờ đến giáo viên
Thật cay đắng cho một người với hai bằng cử nhân Sư Phạm nói rằng không nên trông chờ đến giáo viên.
Thật sự, giáo viên cấp 2 với mình là một nỗi kinh hoàng. Giáo viên không hề quan tâm đến học sinh (hoặc là không quan tâm đến học sinh mà bố mẹ không có mối quan hệ với thầy cô như bố mẹ mình). Mình nhớ một lần mình khóc ngay khi giáo viên chủ nhiệm bước vào, mình sợ hãi không dám nói với giáo viên, nhưng mình mong cô nhìn thấy cái mặt đỏ, mắt sưng vì khóc của mình mà hỏi mình có chuyện gì xảy ra. Nhưng cô không hề biết, và vẫn không hề biết những tháng ngày sau đó.
2. Ảnh hưởng tích cực
Tuy sống trong cảnh như vậy, cuộc sống của mình vẫn có những niềm hy vọng được loé lên.
2.1. Nhận biết được tầm quan trọng của gia đình khi còn nhỏ
Lúc đó, mình nhát gan, mình lo sợ không dám nói với bố mẹ, gia đình hay bất cứ ai, và mình cũng giỏi giấu giếm. Những ngày tháng mà hôm nào đến lớp cũng khóc khiến mình phải đạp xe loanh quanh 30 phút trước khi về nhà để khô nước mắt, mắt đỡ sưng, mũi đỡ đỏ.
Mình nhớ có một lần, mình về sớm hơn nên hôm đó chị mình hỏi vu vơ là mình khóc à. Lúc đó mình sợ hãi, mình trả lời là không và mình biết là hôm đó là hôm cuối cùng mình về sớm.
Tuy gia đình không hề biết chuyện, nhưng đó chính là thứ duy nhất mình bám víu vào. Bố mẹ rất yêu thương mình, tin tưởng mình và là hậu phương vững chắc để mình vượt qua khó khăn. Thực sự, nếu không có gia đinh, mình không thể vượt qua được khoảng thời gian đó.
2.2. Chú tâm vào học tập và Mạnh mẽ từ bên trong
“Cậu cứ bảo vệ thế giới, còn tôi sẽ bảo vệ cậu”
– Tiểu Bắc – Phim “Em của thời niên thiếu”
Đây là câu nói trong bộ phim “Em của thời niên thiếu” mà mình xem. Bộ phim kể về câu chuyện của cô học sinh Trần Niệm bị bạo lực học đường và một cậu thiếu niên đường phố Tiểu Bắc bị bố mẹ bỏ rơi. Tất cả những gì Trần Niệm quan tâm là học và thi đỗ vào trường đại học cô mong muốn để thoát khỏi cuộc sống hiện tại cũng như tất cả những gì Tiểu Bắc quan tâm là bảo vệ cô.
Nguồn ảnh: Báo Thanh niên
Giống như Trần Niệm, tất cả những gì mình quan tâm lúc đó là học tốt, thoát khỏi ngôi trường đó và có tương lai tốt hơn. Nhưng khác với Trần Niệm, không có một ai đứng lên bảo vệ mình, chỉ có mình thôi. Có lẽ cũng vì trải nghiệm quá khứ, mình dám đứng lên nói & bảo vệ cho lẽ phải, cho người bị tổn thương, chịu bất công trong cuộc sống. Và có lẽ từ trải nghiệm đó, mình cũng quen việc tự mình phấn đấu và vươn lên.
“Let me fall if I must fall. The one I become will catch me.” (Tạm dịch: Cứ để tôi ngã nếu tôi phải ngã. Con người tương lai của tôi sẽ đỡ tôi dậy). Nguồn ảnh: J W (Unsplash)
Mọi người có thể nói rằng “Mọi vết thương đều sẽ lành thôi”, đúng, mọi vết thương đều sẽ lành, nhưng những vết sẹo nó để lại vẫn còn đó. Mình không thể nói rằng những trải nghiệm về nó không hề ảnh hưởng đến mình đến cả trong hiện tại. Mình nhớ nguyên những gương mặt của những kẻ bắt nạt đó. Nhưng khác với nữ chính bị bạo lực học đường trong The Glory, mình không bị mắc kẹt trong việc trả thù những người đó. Vì vậy, mình học cách tha thứ & làm bạn với những người kẻ bắt nạt mình và quan trọng hơn, mình có cả tương lai phía trước để phấn đấu.
“In the depths of winter, I finally learned that within me there lay an invincible summer”.
– Albert Camus
Vì vậy, trong tương lai, mình nghĩ mình sẽ vẫn tập trung cho sự nghiệp, không chấp nhận ai chỉ vì bản thân khao khát được yêu thương. Nếu bản thân không gặp được người mình thích, có lẽ mình không đủ giỏi, đi chưa đủ nhiều để gặp được. Và mình cũng thấy điều đó là bình thường thôi, đâu phải ai cũng may mắn gặp được soulmate “bạn tâm giao” của mình. Và nếu vậy, sau này, khoảng 35 tuổi, mình sẽ nhận nuôi một em bé và trở thành single mom – mẹ đơn thân. Mình nghĩ mình đủ tài chính, tự lập, và đủ yêu thương để yêu thương một người không chung huyết thống.
Vậy nên, nếu như không có ai sẵn sàng nói với mình câu này hoặc nói câu này không thật lòng, mình sẽ nói nói nó với con của mình.
“Con cứ bảo vệ thế giới, còn mẹ sẽ bảo vệ con”.
– PTKL