Là một người trẻ dùng mạng xã hội, mình thấy nó ảnh hưởng rất nhiều đến cách suy nghĩ của những người dùng nói chung. Điều mình muốn truyền tải qua bài viết này không phải là để khuyên mọi người không dùng chúng nữa – điều mình thấy là không nên vì đó giống như không đón nhận sự phát triển của xã hội, mà hãy là những người dùng mạng xã hội một cách tỉnh táo. Vì không có thứ gì con người tạo ra mà không để phục vụ nhu cầu của xã hội, chỉ là cách mà người dùng nó sử dụng khiến nó trở nên tốt hay xấu mà thôi.
1. Đánh giá mọi thứ bởi vẻ hào nhoáng
Cuộc sống mọi người thật tốt đẹp trên mạng xã hội
Điều này mình nghĩ mọi người đều có thể nhận thấy. Đối với văn hóa “Đẹp thì phô ra, xấu xa thì đậy lại”, những thứ tuyệt vời nhất sẽ được mọi người chia sẻ trên mạng xã hội. Người mới mua xe, nhận được giải thưởng danh giá, đưa bố mẹ đi du lịch, … Những hình ảnh đó thật là hạnh phúc, mọi người thật thành công.
Đối với tuổi của mình, Khánh Vy là một trong những hình mẫu được lấy làm thước đo của những bạn trẻ thành công: có thông tin trên Wikipedia, có kênh Youtube với hơn 1,7 triệu người đăng ký, MC truyền hình, mua được xe, nhà cho bố mẹ, … Thật đúng là một cá nhân xuất sắc & là cái tên mọi người đều nghĩ đến khi nhắc về một thế hệ thật tài năng.
Cuộc sống của mình thật là nhiều niềm vui. Mới mấy hôm trước, mình có đăng tải hàng loạt ảnh bản thân đi hát karaoke với bạn thân của mình.
Mọi người đều thật thành công và hạnh phúc trên mạng xã hội.
Cảm xúc tiêu cực mà những vẻ hào nhoáng đó đem lại
Những hình ảnh hạnh phúc, thành công, … của mọi người trên mạng xã hội khiến cho những người khác cảm thấy mình thật thất bại, thua kém, … nếu cuộc sống của họ không được vậy. Lâu dần sẽ dẫn tới những cảm giác tiêu cực như áp lực đồng trang lứa, lo lắng, bất an.
Now here’s the problem: Our society today, through the wonders of consumer culture and hey-look-my-life-is-cooler-than-yours social media, has bred a whole generation of people who believe that having these negative experiences- anxiety, fear, guilt, etc. – is totally not okay. I mean, if you look at your Facebook feed, everybody there is having a fucking grand old time. Look, eight people got married this week! And some sixteen-year-old on TV got a Ferrari for her birthday. And another kid just made two billion dollars inventing an app that automatically delivers you more toilet paper when you run out.
Meanwhile, you’re stuck at home flossing your cat. And you can’t help but think your life sucks even more than you thought.
Back in Grandpa’s day, he would feel like shit and think to himself, “Gee whiz, I sure do feel like a cow turd today. But hey, I guess that’s just life. Back to shoveling hay.”
But now? Now if you feel like shit for even five minutes, you’re bombarded with 350 images of people “totally happy and having amazing fucking lives”, and it’s impossible to not feel like there’s something wrong with you”.
― Mark Manson, The Subtle Art of Not Giving a F*ck: A Counterintuitive Approach to Living a Good Life
Tạm dịch:
Vấn đề là: Xã hội của chúng ta ngày nay, nhờ vào các tuyệt tác của nền văn hóa tiêu dùng và mạng xã hội ê-cuộc-đời-của-tui-hoành-tráng-hơn-mấy-chế, đã tạo ra cả một thế hệ loài người tin vào việc có những trải nghiệm tiêu cực này – lo lắng, sợ hãi, tội lỗi, vân vân và mây mây – là không bình thường. Ý của tôi là, nếu như bạn nhìn vào Facebook của mình, mọi người ở đó đều có một quãng thời gian đã qua đỉnh vãi. Này nhé, tám người kết hôn liền trong tuần này! Và một đứa nhóc 16 tuổi nào đó trên TV bị một con Ferrari rơi trúng đầu nhân ngày sinh nhật. Đứa khác thì cá kiếm những 2 tỷ đô nhờ viết ra một ứng dụng sẽ tự động cung cấp giấy vệ sinh cho bạn ngay khi hết.
Trong khi ấy thì bạn cứ luẩn quẩn ở nhà mà vuốt ve mèo. Và bạn chẳng thể làm gì ngoài việc nghĩ rằng cuộc đời mình tệ hại hơn bạn tưởng.
Quay trở về thời đại của ông bà mình, ông của chúng ta có thể cũng thấy đời chán như con gián và tự nhủ rằng, “Giời ạ, hôm nay mình thấy cuộc đời mình thối như phân bò ấy. Nhưng mà hầy, chắc đời nó vốn là như thế. Mình cứ cắt cỏ đi đã hầy.”
Nhưng còn giờ thì sao? Giờ thì nếu như bạn thấy như cứt dù chỉ trong vòng có năm phút, thì bạn vẫn bị oanh tạc bởi 350 hình ảnh của những người hoàn toàn hạnh phúc và có cuộc sống đỉnh *éo đỡ được, và như thế thì thật khó để không khỏi cảm thấy rằng có điều gì đó sai với chính bản thân mình.”
Nguồn ảnh: Adrian Swancar (Unsplash)
Trước đây, năm 2020, chính mình là người nói áp lực đồng trang lứa là một điều tốt, vì nó khiến mình phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn cho mục tiêu cá nhân. Đến bây giờ mình thấy vẫn biết ơn giai đoạn đó và thấy nó là cần thiết để bản thân mình trở thành người ngày hôm nay (ít nhất là một người phụ nữ dám đưa ra quan điểm của bản thân).
Tuy nhiên, 2 năm sau, chính nó là thứ khiến sức khỏe tinh thần của mình sa sút thậm tệ. Giờ mình nghĩ mỗi giai đoạn thì áp lực đồng trang lứa ảnh hưởng tích cực/tiêu cực theo cách nhau. Thậm chí tích cực hay tiêu cực cũng mang tính tương đối. Ví dụ, bạn suy nghĩ tích cực thì có thể tốt, nhưng tích cực nói xấu người khác thì là không tốt.
Thời gian đó, mình hay so sánh bản thân mình với người khác, khi mà xung quanh bủa vây bởi hình ảnh các bạn đi các chương trình trao đổi đài thọ toàn phần ùn ùn, mình vừa thức dậy sau giấc ngủ trưa và thấy cuộc đời mình thật thảm hại (hơn nó thực tế rất nhiều).
Nhưng … cuộc sống mọi người không hoàn toàn đẹp đẽ như vậy
Tuy nhiên, mình muốn bạn có một cái tư duy đúng về vấn đề này. Bạn không hề biết gì về cuộc sống của họ và những gì họ đã từng trải qua thông qua vài bức ảnh/video trên mạng xã hội cả.
Những gì thành tựu mà bạn biết về người khác chỉ là kết quả sau một hành trình dài của họ mà thôi
“And then we have all the mass media that constantly expose us to stellar success after success, while not showing us the thousands of hours of dull practice and tedium that were required to achieve that success.”
― Mark Manson, The Subtle Art of Not Giving a F*ck: A Counterintuitive Approach to Living a Good Life
Tạm dịch:
“Rồi chúng ta còn có cả một hệ thống truyền thông lúc nào cũng ra rả vào ai ta hết tấm gương thành công này đến tấm gương thành công khác, trong khi lại lờ tịt hàng ngàn giờ rèn luyện buồn tẻ và chán ngắt mà họ cần thực hiện trước khi đạt tới thành công.”
Một trong những điều đúng đắn mà mình thấy đó là: người thành công là người hành động nhiều hơn, RÈN LUYỆN nhiều hơn, THẤT BẠI nhiều hơn, … và những gì bạn nhìn thấy chỉ là KẾT QUẢ sau cả một quá trình nỗ lực của họ mà thôi.
Nếu như theo dõi Khánh Vy, bạn có thể biết được những áp lực mà bạn ý phải trải qua trước đây như thế nào. Trong Youtube video “Cách để đối diện với tiêu cực và vượt qua nó cùng Khánh Vy“, bạn có chia sẻ rằng bạn đã từng ngồi khóc đến tận 3h sáng vì áp lực trong công việc và cuộc sống. Vậy nên, nếu không phải ‘sinh ra đã ở vạch đích’ thì họ thành công hơn vì họ đã trải qua nhiều khó khăn, áp lực, thử thách, sóng gió hơn mình mà thôi.
Bạn chỉ biết những gì người khác muốn cho bạn biết
Đúng vậy, riêng với cá nhân mình, mình thấy chúng ta chỉ biết những gì mà họ muốn cho chúng ta biết trên mạng xã hội.
Giống như việc hàng giờ học tập, rèn luyện được giấu nhẹm đi, nếu các thành tích, thành công mà mọi người không chia sẻ thì bạn hay mình cũng không thể biết được. Mình có một người chị tên là Ngọc, mình quen khi tham gia câu lạc bộ. Kể cả là một đứa em khá thân thiết của chị, mình cũng không thể biết được những khó khăn mà chị đã trải qua để có thể nhận được học bổng chính phủ Fulbright, tài trợ 100% chi phí đi học Thạc sĩ ở Hoa Kỳ. (Bạn có thể đọc bài viết của chị ở đây để có thể hiểu hơn phần nào).
Như ví dụ ở trên, trước khi hát Karaoke, mình có một ngày thật tệ: chuẩn bị hội thảo thì đến muộn, đồ đạc không chuẩn bị kỹ càng, làm mất đồ công ty, nước mắt tuôn rơi vì không làm tốt trong công việc, đổ xe vập cằm xuống đất, đi ăn, đi chơi một mình, ….
Những thứ màu hồng đẹp đẽ, mình chia sẻ trên Story của bản thân chỉ là những khoảnh khắc vui vẻ trong ngày mà mình muốn nhớ về. Vì vậy, mình cũng phát ngán vì story trên Facebook được cho là “Ngày của tôi” khi kéo dài chỉ trong 24 giờ. Đó đâu phải là cả một ngày của mình đâu, cả ngày của mình có vui vẻ vậy đâu. Nếu như đánh giá 24 tiếng trong ngày của mình bằng một video vài giây, thật là nhảm nhí.
Người khác mình nghĩ cũng như vậy, họ chia sẻ về những thành công của cá nhân mình, mua được xe, nhận được giải thưởng danh giá, đưa bố mẹ đi du lịch, … là những thành tựu mà họ phấn đấu hàng giờ, hàng ngày, háng tháng, hàng năm, điều đó đáng được chúc mừng. Chỉ là bạn cần nhận thức được đó không phải là toàn bộ cuộc sống của họ, họ cũng gặp nhiều khó khăn trong công việc, sự nghiệp, mối quan hệ, …
Vì vậy, đừng đánh giá quá nhanh về một người nào đó chỉ thông qua những thành tựu (kết quả) và những mà họ-muốn-cho-bạn-biết trên mạng xã hội, và hãy đối xử tốt và tử tế với nhau trên không gian mạng, vì mọi người đều đang khó khăn, và đang trên hành trình cố gắng cả.
2. Làm tổn thương người khác
Dạo gần đây, bức ảnh của nữ Rapper Tlinh đang gây xôn xao. Cô bị body shaming – miệt thị ngoại hình vì bị nhận xét là thiếu đường cong nữ tính về vòng một như một người phụ nữ trưởng thành.
Nguồn: ZingNews
Cô bị tấn công bởi những lời lẽ rất khó nghe, những lời chê bai về ngoại hình mà mình không muốn đề cập tới ở đây. Nếu bạn quan tâm, có thể truy cập vào bài viết mà mình để link phía trên.
Là phái nữ, được coi là “phái đẹp”, thì mình cũng không ít lần bị body shaming. Mình cũng nghĩ là hầu hết các bạn nữ đều đã từng trải qua cảm giác đó, vì với những người được coi là “sinh ra để người khác ngắm” như chúng ta thì chúng mình sẽ luôn luôn KHÔNG ĐỦ xinh với một số đối tượng thích làm tổn thương cảm xúc của người khác, mà trong trường hợp của Tlinh là những người núp bóng và ẩn mình sau chiếc bàn phím.
“No one is born ugly, we are just born in a judgemental society“
– Kim Namjoon
Tạm dịch:
“Không có ai trong chúng ta là sinh ra xấu xí cả, chỉ là chúng ta sống trong một xã hội thừa mướn những sự chỉ trích mà thôi.”
Mình không thể tưởng tượng nổi cảnh cảm xúc của mình sẽ bị ảnh hưởng thế nào nếu mà nhận được dù chỉ một bình luận tiêu cực từ người “không quen biết” với mình. Rất khâm phục những ngôi sao nữ – phái bị miệt thị ngoại hình nhiều hơn phái còn lại, và Tlinh, mong em sẽ không bị ảnh hưởng bởi những lời nói đó mà vẫn yêu thương bản thân, cơ thể của mình, còn về phía chị, chị nhìn em rất sexy và mlem nhé.
Điều mình muốn nói ở đây là, không ai là hoàn hảo cả, mà nếu hoàn hảo “mười phân vẹn mười” mà cuộc đời khổ sở, bất hạnh, bị chà đạp không thương tiếc như Thúy Kiều thì mình xin phép vẹn vài phần thôi. Vì vậy, trước khi nhấn bình luận chỉ trích về ngoại hình của một người khác, hãy tự nhìn nhận lại bản thân mình, đặt mình vào vị trí của người khác, nếu con của bạn hay bản thân bạn nhận được cả nghìn bình luận tiêu cực từ những người không quen biết, thì bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Là một trong những người thuộc thế hệ trẻ, hãy góp phần tạo nên một không gian mạng an toàn và lành mạnh!
3. Bị dắt mũi
Mình thấy người dùng bị truyền thông & mạng xã hội dắt mũi khá nhiều mà không biết. Tuy nhiên, một trong những sự kiện mà mình thấy mọi người có thể nhận thức được dễ dàng là thời kỳ covid, mọi người bị dẫn dắt tin tưởng vào những tin tức không chính thống và chia sẻ nó bừa bãi, hành động từ những thông tin đó.
Tuy nhiên, chuyện đó đã xảy ra lâu, mình cũng không muốn nhắc đến nữa. Nhưng câu chuyện của nữ Youtuber về việc “Những lần mình kiếm tiền trên Tinder” và những nội dung, luận điểm trên VTV24 khiến mình muốn lên tiếng. Bạn hãy nhấn vào link để hiểu hơn nhé.
Trước khi đưa ra quan điểm của bản thân, mình muốn nhấn mạnh rằng: MÌNH KHÔNG CỔ XÚY CHO NHỮNG VIDEO VỚI NỘI DUNG KHÔNG ĐÚNG MỰC (như trong video về kiếm tiền trên Tinder kia).
Đánh giá thông qua những video cắt ghép
Giống như quan điểm của VTV trong link mình đính kèm phía trên, không nên tiếp nhận thông tin chỉ qua một vài video cắt ghép, chỉnh sửa vài phút trên Tik Tok. Nó không chỉ hướng người đọc đến quan điểm mà họ muốn đưa đến cho bạn, mà còn làm sai lệch toàn bộ thông tin ban đầu.
Thậm chí cả những câu trích dẫn mình đưa ra trong bài viết bạn cũng chưa nên vội tin, vì dĩ nhiên, mình chỉ lấy những câu phục vụ, hỗ trợ và chứng minh cho quan điểm của mình và lấy đi bối cảnh của câu trích dẫn đó. Nó giống như câu chuyện ngụ ngôn “thầy bói xem voi” khi mà mỗi thầy bói lấy chỉ một bộ phận – vẫn là sự thật – để nói tổng thể con voi như thế nào.
Thời đại ngày nay, mình thấy việc nói một nửa sự thật chưa bao giờ lại thật đến vậy.
Ai cũng đã từng phạm sai lầm
Nội dung này đã được đăng trước đây 3 tháng, và cuối cùng, mọi người tin vào những clip cắt ghép vài phút trên tiktok, bài báo giật tít mà không xem hết video chính gốc dài gần 10 phút của cô gái để đánh giá về con người cô. Trong đoạn cuối của video gần 10 phút, cô có nói:
Mình kể ra ở đây chỉ để các bạn biết mình ĐÃ TỪNG sống như thế nào. ĐỪNG ÁP DỤNG, không thì mọi người bảo mình đi truyền bá những thứ không chính đáng.
– Youtuber
Chị ý đã từng sống như vậy. Chị ý sai, nhưng cũng đã nhận thức được điều đó. Hơn nữa, là con người, mình nghĩ ai cũng có lúc sai. Thậm chí trong bộ phim Home, nhân vật chính từng nói.
“Your mistakes are what makes you human”.
– Gratuity Tucci (phim Hành trình trở về)
Tạm dịch: Sai lầm là thứ khiến cậu con người nhất đó.
Vì vậy, đừng bám víu vào những lỗi sai của người khác để trừng phạt họ. Nhận thức này mình nghĩ xuất phát từ việc mình học ở trường Sư Phạm, mình hiểu học sinh ai cũng đã từng sai, cảm thông hơn với những sai lầm của học sinh. Nếu mình chỉ chăm chăm đi soi xét lỗi sai của học sinh, phạt chúng về những điều đó, chắc học trò của mình sẽ không có ai như Thomas Edison – người có hơn 10.000 sai lầm và thất bại trước khi được mệnh danh là người đem đến mặt trời thứ 2 khi tạo ra bóng đèn chiếu sáng cho con người.
Nguồn: Mishal Ibrahim (Unsplash)
Mình cũng mắc sai lầm, với những sai lầm của các thành viên khi làm hoạt động ngoại khóa, mình sẽ mắng vài câu và thôi. Nhưng khi mình mắc sai lầm, mình bị ám ảnh rất lâu và khó tha thứ cho chính mình. Tuy nhiên gần đây, Sếp mình có nói với mình rằng mình có 40 năm nữa để sửa sai và không mắc phải sai lầm này nữa. Từ đó, mình cũng bao dung với sai lầm của bản thân hơn.
Tái bút
Bài viết cũng dài rồi, mình mong rằng những ý kiến, quan điểm của mình đưa ra rõ ràng với các bạn, từ đó các bạn hiểu được thông điệp mình muốn truyền tải.
Và hãy góp phần tạo ra một không gian mạng lành mạnh, và sử dụng mạng xã hội một cách tỉnh táo.
Bài viết được hoàn thành vào ngày 16/04, và trên hành trình trưởng thành này, cũng sẽ có những suy nghĩ của mình về sau thay đổi.