Có nhiều câu nói như: “Khi yêu đừng quay đầu lại”, “Yêu là trao trọn con tim mình”. Quan điểm đó có đúng không? Liệu việc hi sinh bản thân, luôn đặt đối phương lên trên bản thân mình liệu có phải là yêu thương đúng cách?
1. Ranh giới giữa 2 người trong một mối quan hệ tình cảm
Gần đây có nhiều thông tin về các nam nghệ sĩ được đem ra bàn luận. Nếu như Decao bạo lực gia đình, Thắng (Ngọt) ngoại tình & bạc bẽo với vợ con, và gần nhất là 16Typh ép bạn gái phá thai, … khiến mình có nhiều suy nghĩ và có động lực viết bài viết này.
Từ những năm cấp 2, mình rất không thích các bạn nam. Thậm chí, những năm cấp 3, trong đầu mình còn có tư tưởng “muốn đấu trí” với các bạn nam để chứng minh phái nữ không hề kém cạnh gì so với phái nam về năng lực. Lớn dần lên, trong một xã hội Việt Nam tôn thờ đức tính hi sinh, khả năng chịu đựng của người phụ nữ, mình chứng kiến rất nhiều gia đình với người chồng bạo hành, cờ bạc, ngoại tình … trong khi người vợ “nhẫn nhục”, “chịu đựng”, vẫn tần tảo làm lụng nuôi con. Chứng kiến những hoàn cảnh như vậy, mình mất niềm tin về phái nam rất nhiều. Tuy nhiên, bố mình là người đàn ông duy nhất giúp mình gìn giữ lại 1 chút niềm tin về một người đàn ông có nhiều đức tính mà mình trân trọng. Giúp mình tin rằng sẽ có một người đàn ông tử tế ngoài kia phù hợp và yêu thương mình vì chính con người mình .
Ngoài quan sát con người, quan sát thiên nhiên cũng giúp mình hiểu hơn về cuộc sống. Có những loài như Bọ Ngựa, con cái sẽ ăn thịt con đực sau khi quan hệ tình dục nếu thiếu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, cũng có những loài như Ngỗng, khi chỉ có một bạn đời đến khi chết. Việc quan sát này giúp mình có cái nhìn tích cực hơn, rằng cũng như các loài động vật, thì con người cũng có nhiều loại khác nhau. Nhiều người lựa chọn cam kết với một người, cũng có người lựa chọn mối quan hệ không ràng buộc. Tuy nhiên, hơn các loài động vật, con người còn có suy nghĩ chứ không làm mọi thứ hoàn toàn bằng bản năng. Vì vậy, cũng sẽ có người nói không với việc động tay động chân với phụ nữ, cũng sẽ có những người coi việc bạo hành gia đình là chuyện bình thường.
Trong mối quan hệ có thể bạn không có mẫu bạn trai/gái lý tưởng, nhưng nên có deal breaker trong mối quan hệ. Deal breaker ở đây có thể được hiểu đơn giản là thỏa thuận bạn tự đặt ra, rằng nếu thỏa thuận đó bị vi phạm, sẽ không có cách nào cứu chữa được nữa. Vì có những sai lầm có thể bỏ qua, nhưng có những hành động không thể châm chước, không thể có lần thứ 2 và không thể tha thứ. Đơn cử như ngoại tình, bạo lực gia đình, …. Khi bạn có deal breaker rõ ràng, một khi họ vi phạm, bạn không vì bất cứ điều gì (con cái, lời bàn tán của xã hội, sự phụ thuộc tài chính …) mà bỏ qua.
2. Ranh giới giữa con cái và bố mẹ
Không những nên đặt ra ranh giới giữa 2 người trong mối quan hệ tình cảm đôi lứa, việc đặt ra ranh giới giữa con cái và bố mẹ là vô cùng quan trọng, nhất là trong xã hội “kính trên nhường dưới” như Việt Nam.
2.1. Ranh giới bố mẹ đặt cho con cái
Mình nhớ khi học cấp 3, mình từng đọc một tờ báo An ninh thủ đô. Một mẩu tin về tệ nạn xã hội về một gia đình với người cha mất sớm để mẹ một mình nuôi con. Tuy nhiên, thay vì cố gắng phấn đấu, anh con trai khi lớn lên không đi làm lụng gì mà đánh cờ bạc, ăn trộm tiền của mẹ để đi mua ma tuý. Hành động của anh làm bà mẹ rất khổ tâm. Khi đó mình nghĩ rằng tại sao có người con tệ bạc như thế nhỉ, bà mẹ đã vất vả như vậy rồi mà còn bị người con còn đối xử không ra gì như vậy.
Khi mình nói như vậy với bố, bố mình bảo là mình chỉ thấy một phần rất nhỏ của câu chuyện, phần mà báo chí muốn cho mình thấy thôi. Phần còn lại, rất có thể mình không thấy được bà mẹ đã nhu nhược, bỏ qua cho người kia hết lần này đến lần khác như thế nào. Việc không phân rõ ranh giới việc gì có thể làm, việc gì không, khi nào là đi quá giới hạn đã khiến người con ỷ lại và trở thành tội phạm lúc nào không hay. Sau khi bố mình nói như vậy, mình dần nhìn nhận cuộc sống từ góc nhìn của một người thứ 3. Mình giảm bớt thiên kiến cá nhân, nghe bằng 2 tai từ 2 phe đối lập để có cái nhìn tổng quan nhất về một vấn đề.
2.2. Ranh giới con cái đặt cho bố mẹ
Hậu quả của việc người con không đặt ra ranh giới rõ ràng cho bố mẹ có lẽ được nhiều bộ phim Việt Nam nêu lên nhất. Đơn cử là phim Sống chung với mẹ chồng, Thương ngày nắng về, …. khắc họa những Mama Boy, nghe lời mẹ răm rắp ngay cả sau khi lấy vợ. Khi các anh chàng này không đặt ra giới hạn rõ ràng cho mẹ ruột nên không thể bảo vệ được vợ, để mẹ can dự vào các quyết định lớn của gia đình. Kết quả là một gia đình không trọn vẹn với nhiều thành viên bị tổn thương.
Về việc này, mình học được người yêu mình nhiều thứ. Anh ấy cho mình hiểu rằng, dù mình vẫn là con gái của bố mẹ mình, nhưng những cuộc đối thoại giữa mình và bố mẹ bây giờ là cuộc đối thoại giữa các người lớn với nhau. Điều mình cần làm là chịu trách nhiệm với các lựa chọn, các quyết định của mình như một người lớn trưởng thành.
Tái bút
Tình yêu có cần phải đặt ra ranh giới không? Bạn nghĩ gì về bài viết trên? Chia sẻ cùng mình nhé.
iu bạn 3000 <3