Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (Young Southeast Asian Leaders Initiative – YSEALI) là chương trình trao đổi 5 tuần tới Mỹ được đài thọ toàn phần bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của thanh niên trong khu vực, tăng cường mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á, và nuôi dưỡng một cộng đồng các nhà lãnh đạo làm việc xuyên biên giới để giải quyết các vấn đề chung.
Khác với 2 bài viết trước, bài viết này được mình ghi lại khi mình đã về Việt Nam. Cùng xem hành trình này đã thay đổi góc nhìn của mình thế nào nhé.
1. Never leave anyone behind – Không để ai bị bỏ lại phía sau
Khi học về Motivation for Social Change từ Tiến sĩ Judy Gelber, bọn mình được chia ra làm các nhóm để thực hiện hoạt động cho bài giảng. Jessia (Uyên Nguyễn) – YSEALI Fellow từ Việt Nam – có thị lực kém nên hoạt động này có vẻ sẽ thiếu đi tính công bằng nếu để bạn đấu với các thành viên trong nhóm khác.
Không để điều này xảy ra, Tiến sĩ Gelber đã báo với các bạn thi đấu cùng Jessica rằng các bạn đó sẽ bị bịt mắt để khi tham gia hoạt động này. Chỉ bằng hành động đó, Tiến sĩ Gelber khiến mình cảm nhận được rằng Trường University of Nebraska at Omaha, con người ở Nebraska, hoặc ít nhất là các giảng viên trong theme Civic Engagement rất quan tâm tới từng người chúng mình, để không ai có cảm giác bị bỏ lại phía sau.
2. Thái độ đối mặt với bất đồng
Trong bài giảng Working through Conflict, Tiến sĩ Amy Ellefson có đưa ra một câu hỏi dành cho bọn mình rằng bọn mình thoải mái đối diện với xung đột đến đâu. Để cho chúng mình liên tưởng rõ hơn, Tiến sĩ Ellefson đưa ra một hoạt động, Tiến sĩ là Sự xung đột, sẽ đứng một góc lớp học. Nếu bọn mình đứng càng gần Tiến sĩ, bọn mình càng thoải mái đối diện với sự xung đột.
Mình quan sát rằng, có nhiều bạn đứng rất gần, cũng có nhiều bạn đứng rất xa Tiến sĩ, còn mình đứng ở giữa. Mình cho rằng mình không trốn tránh xung đột, vì đôi khi xung đột là một cách để chúng ta hiểu rõ về nhau hơn. Tuy nhiên, mình không đứng quá gần Tiến sĩ – Sự xung đột, không phải mình không hoàn toàn thoải mái với nó, mà đối với mình đôi khi ngăn chặn bất đồng xảy ra ngay từ đầu là điều nên làm hơn là việc luôn hăm hăm đối diện với nó. Mình đứng giữa vì mình biết mình không nên trốn tránh xung đột, mình vẫn thoải mái đối diện với nó, nhưng mình biết việc ngăn chặn xung đột là điều cần thiết trong vài trường hợp.
3. Show, don’t tell – Nói ít, làm nhiều
Khi tham gia chương trình, bọn mình cần làm đề xuất cho một Dự án xã hội (Action Plan). Moch, bạn thân của mình tại YSEALI, khiến mình rất nể trọng vì dự án xã hội của bạn. Nếu như dự án của các bạn khác là “change-the-world project” thì Moch đưa ra đề xuất làm một thư viện miễn phí dành cho các em học sinh tại nơi bạn đang sống với cái tên rất giản dị “Free, Small Library” (Tạm dịch: Thư viện nhỏ, miễn phí). Mình gợi ý Moch là có thể cân nhắc từ “Small” (nhỏ) vì nếu mình là nhà tài trợ, mình muốn tiền mình đầu tư với độ phủ (reach) cao, đem được giá trị đến với càng nhiều người càng tốt, vì đó cũng là cách để mình truyền thông.
Khi kết thúc chương trình và trở về nước, bạn là người duy nhất (như mình biết) đã bắt tay vào triển khai ngay. Moch vẫn giữ cái tên “Free, Small Library“, và bảo mình rằng bạn chỉ muốn THỰC HIỆN “baby step”(bước nhỏ) mà bạn có thể để đem lại giá trị cho cộng đồng. Khi bạn làm điều gì mới cho dự án, bạn đều chia sẻ cho mình biết, mình cảm thấy rất vui vì được nhìn thấy hành trình dự án của bạn dần phát triển.Vì Moch và dự án tủ sách miễn phí của bạn ấy cho trẻ em nhỏ, một ngày nào đó, mình sẽ đến thăm Cambodia, mang vài quyển sách theo để tặng cho các trẻ em trong thư viện của Moch.
Tái bút
Cuối cùng, mình mong và tin tưởng rằng các bạn sẽ thực hiện các dự án xã hội mà bản thân mình đã lên ý tưởng để đem lại giá trị cho cộng đồng, và để chứng minh rằng việc YSEALI đã “đầu tư” vào chúng mình là đúng.
iu bạn 3000 <3