Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (Young Southeast Asian Leaders Initiative – YSEALI) là chương trình trao đổi 5 tuần tới Mỹ được đài thọ toàn phần bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của thanh niên trong khu vực, tăng cường mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á, và nuôi dưỡng một cộng đồng các nhà lãnh đạo làm việc xuyên biên giới để giải quyết các vấn đề chung.
Bài viết này được mình hồi tưởng, ghi lại và hoàn thành khi mình về Việt Nam. Cùng xem hành trình này đã thay đổi góc nhìn của mình thế nào nhé.
Chúng mình có thể làm cả hai cùng lúc
Khi xem podcast Người tiên phong có đi được đường dài của Have a sip, mình biết đến chị Hannah Olala. Theo như VnExpress, chị Hannah Olala quyên góp 25 tỷ đồng cho UNICEF Việt Nam, chính thức là thành viên Hội đồng Nhà Tài trợ Toàn cầu của UNICEF, cam kết quyên góp 1 triệu USD, từ 17/5/2024. Trong podcast, chị chia sẻ rằng vẫn còn tồn tại suy nghĩ rằng phụ nữ nếu có sự nghiệp thì sẽ không có gia đình hạnh phúc. Khuôn mẫu này khiến chúng mình, những người phụ nữ trẻ, nghĩ rằng mình chỉ được phép lựa chọn một trong hai.
Khi đang tham gia trao đổi tại University of Nebraska at Omaha, mình đã từng hỏi Tiến sĩ Ferial Pearson, rằng: giống như những người làm dự án xã hội khác, mình muốn đưa ra giải pháp mang tính bền vững thay vì tạm thời. Khi thăm quan trung tâm vô gia cư Siena Francis House, mình thấy họ đang đưa ra giải pháp mang tính tạm thời. Cụ thể hơn, thay vì chỉ tặng họ quần áo thì tại sao không dạy họ kỹ năng chuyên môn về ngành gì đó, sau đó họ tự làm và kiếm thu nhập.
Tiến sĩ bảo rằng mình có thể làm cả hai mà. Để chứng minh rõ hơn, Tiến sĩ đưa ra một ví dụ: khi nhận thấy vấn nạn rằng ai đó thả các em bé mới sinh từ đầu nguồn xuống lòng sông, giải pháp cần thiết ngay lúc đó là cứu những em bé. Sau đó, cần phải lên đầu nguồn và tìm hiểu xem ai là người thả các em bé đó xuống. Hai giải pháp này có thể làm đồng thời và chúng mình hoàn toàn có thể làm cả hai.
Vì vậy, chúng mình luôn có thể làm cả hai, vừa tập trung cho công việc, vừa chăm chút cho gia đình, chỉ là nên học cách quản lý thời gian một chút.
Tôn trọng từng cá nhân
Cũng cùng buổi trao đổi với Tiến sĩ Ferial Pearson, khi đến cuối giờ, mọi người muốn có một bức ảnh với Tiến sĩ. Khi đứng cạnh nhau, Tiến sĩ hỏi bạn bên cạnh là liệu có thể khoác vai bạn được không. Điều đó khiến mình rất ấn tượng, vì khi ở Việt Nam, không ai hỏi bạn có thấy thoái mái khi họ đụng vào cơ thể bạn hay không.
Đến mỗi bang, mình sẽ được sắp xếp ở cùng các bạn nữ khác nhau, tới từ các quốc gia khác nhau. Khi ở Nebraska, mình ở cùng Davina. Bạn rất tôn trọng không gian riêng tư của mình. Mỗi khi làm gì ở ngôi nhà chung đều thảo luận với mình, ví dụ như: rủ bạn khác đến chơi, sắp xếp lịch tổ chức bữa ăn với các bạn khác (dù vẫn chưa làm được) … Khi đến South Dakota, mình ở chung 1 phòng với Indah với 2 giường ngủ. Indah sẽ phải thực hành tín ngưỡng tôn giáo thường xuyên trong phòng, nên trước đó, Indah đã hỏi là mình có thấy ổn với việc đó không. Tất cả mọi thứ đều khiến mình cảm thấy rất được tôn trọng, và mọi người tôn trọng nhau khi đến Hoa Kỳ.
Tái bút
Đó là một số kỷ niệm trong hành trình tham gia YSEALI của mình. Còn bạn thế nào? Bạn có mong muốn ứng tuyển tham gia chương trình trao đổi này không? Chia sẻ với mình nhé.
iu bạn 3000 <3