Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (Young Southeast Asian Leaders Initiative – YSEALI) là chương trình trao đổi 5 tuần tới Mỹ được đài thọ toàn phần bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của thanh niên trong khu vực, tăng cường mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á, và nuôi dưỡng một cộng đồng các nhà lãnh đạo làm việc xuyên biên giới để giải quyết các vấn đề chung.
Bài viết này được mình hồi tưởng, ghi lại và hoàn thành khi mình về Việt Nam. Cùng xem hành trình này đã thay đổi góc nhìn của mình thế nào nhé.
Đồng phục có rút ngắn sự phân cấp xã hội?
Tục ngữ có câu: “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” với hàm ý rằng một người sẽ đẹp, lộng lẫy lên rất nhiều nhờ những bộ trang phục họ mang. Tại sao lại có quan điểm này? Người xưa đã căn cứ vào đâu để rút ra luận điểm đó?
Thử nhìn lại những năm 1950, khi Cô bé Lọ Lem Cinderella từ một cô gái bình thường, nhưng khi khoác trên mình bộ váy tinh tươm đã ngay lập tức thu hút được hoàng tử ngay từ cái nhìn đầu tiên, và chỉ chưa đến 24h cô đã làm chàng say đắm. Cuối cùng, cô trở thành hoàng hậu của cả một vương quốc. Hay trong bộ phim “The Devil Wears Prada”, Andrea trẻ trung, tài năng nhưng có phần quê mùa. Khi cô quyết định thay đổi ngoại hình, thay đổi cách ăn mặc cũng là lúc sự nghiệp của cô thăng tiến, cô dần làm quen được với nhiều người và dấn thân được đến giới nghệ sĩ nổi tiếng. Vậy ngoài đời sống thực tế hiện tại thì sao? Những người xinh đẹp nhất mà bạn lập tức nghĩ ra trong đầu có thể sẽ là những người của công chúng – thường xuyên được khoác lên mình những bộ trang phục lộng lẫy.
Tất nhiên, để đến được một đỉnh cao nhất định, họ cần có nhiều hơn chỉ là hình thức bên ngoài. Ví dụ như Cinderella có giọng hát, sống tử tế; Andrea thông minh, tài năng, …. nhưng bộ cánh đẹp là bản lề để có được những vị trí đó.
“The journey of a thousand miles begins with a single step.” The Chinese philosopher Lao Tzu.
(Tạm dịch: Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân.”)
Trong trường hợp này thì khoác trên mình bộ cánh lộng lẫy, đẹp đẽ chính là bước đầu tiên để tạo ấn tượng với những người chuyên nghiệp, có địa vị và giai cấp cao.
Vậy tại sao vẫn là gương mặt đó, vẫn con người đó, khi diện những bộ trang phục khác nhau lại khiến chúng ta có ngoại hình dường như thay đổi hoàn toàn như vậy? Liệu chỉ cần khoác những bộ cánh lộng lẫy là mình có thể “đổi đời” hay không?
Khi tham gia YSEALI, Davina, bạn cùng phòng với mình tại Nebraska, từng hỏi mình rằng ai là bạn nữ hot nhất, mình bảo đó là Bell, vì Bell bộ cánh đẹp và tôn lên vóc dáng. Chúng mình cũng tiếp tục chia sẻ nhiều hơn về câu chuyện đồng phục tại các cơ sở giáo dục vì mình và Davina đều được đào tạo từ trường Sư Phạm.
Mình chia sẻ rằng, khi làm học sinh, mình thấy đồng phục rất là tuyệt vời. Mình không bao giờ phải nghĩ ngợi xem mình phải mặc gì đến trường. Nhưng quan trọng hơn là, với một đứa trẻ, mình không cảm thấy mình khác biệt so với các bạn cùng lứa. Đồng phục như kéo mọi người đến cùng một điểm xuất phát khi khoảng cách giàu nghèo không còn được thể hiện rõ ràng. Chúng mình cùng đua trên những cuộc đua về trí tuệ, tài năng của bản thân, thay vì những thứ bên ngoài khác.
Mình bảo Davina, rằng dù có đồng phục là vậy, với một đứa hay quan sát như mình, có những thứ khác mà mình vẫn nhận ra ở các bạn khác. Mình nhớ mãi khi còn học tiểu học, mình thường quan sát thấy giáo viên yêu quý một bạn nữ xinh xắn nào đó về ngoại hình. Mình thấy bạn có mũ len, vòng tay, đôi bốt đi rất xinh, hơn hẳn của mình (thậm chí mình còn không có). Mình bảo bạn rằng, ngoài quần và áo, có nhiều thứ khác học sinh mang trên người vẫn khiến mình nhận ra sự khác biệt giữa mình và các bạn khác.
Ngay khi mình chia sẻ vậy, Davina kể cho mình về dự án xã hội bạn làm. Bạn thiết kế cách đồ đồng phục khác nhau để học sinh tùy chọn (mũ, cặp sách, …). Nếu học sinh muốn mua bất cứ đồ nào thì có thể chọn. Bạn có làm cả podcast về dự án đó để thảo luận các vấn đề xung quanh giáo dục nói chung và đồng phục nói riêng. Mình thấy dự án rất hay và có ý nghĩa.