Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (Young Southeast Asian Leaders Initiative – YSEALI) là chương trình trao đổi 5 tuần tới Mỹ được đài thọ toàn phần bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của thanh niên trong khu vực, tăng cường mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á, và nuôi dưỡng một cộng đồng các nhà lãnh đạo làm việc xuyên biên giới để giải quyết các vấn đề chung.
Bài viết được ghi vào thời gian trước khi mình xuất phát từ Việt Nam, và trong thời gian ở Hoa Kỳ. Cùng xem mình đã ghi chú lại những gì mình suy nghĩ nhé.
1. Điều người khác làm không nhất thiết phải là điều bạn cần làm
Khi nhận được tin trúng tuyển, mình bắt đầu có thời gian để đi kết nối lại với các mối quan hệ đã từng thân thiết trước đây, và vẫn muốn thân thiết trong tương lai. Mình đi gặp các bạn trong ban điều hành của Hội Cựu học sinh THPT Thường Tín, em Dương – Trưởng ban Đối Ngoại – bảo mình rằng “sao được đi YSEALI mà ỉm thế?”. Mình cũng thấy giật mình. Mình nhìn lại, các bạn trúng tuyển cùng đợt cũng đăng nhiều thứ. Ừ, tại sao mình không thông tin gì trước khi đi trên mạng xã hội thế nhỉ?
Mình nghĩ rằng, điều người khác làm, không cần thiết phải là điều bạn cần và nên làm. Ví dụ khi phim Mai của MC Trấn Thành ra rạp, mọi người xung quanh mình cũng xem. Mình biết nếu là kịch bản phim Việt Nam, đề tài vẫn là gia đình, là câu chuyện xoay quanh một (vài) thành viên trong gia đình nhỏ, và mọi thứ được đẩy đến bi đát tới cùng cực đối với số phận của một con người nào đó (nhân tiện đây, mình cũng suy nghĩ rằng nó cũng có thể hình thành “tâm lý nạn nhân” trong bạn, hãy xem có chọn lọc, hoặc ít nhất là chọn những thứ mình muốn học từ những thứ mình nạp vào trong đầu nhé). Vì vậy, nếu đó không phải là điều mà bạn quan tâm (phim chủ đề gia đình, phim Việt Nam, …), bạn không cần làm điều đó, chỉ vì mọi người xung quanh đều làm cả.
Càng lớn, mình càng thấy nhiều người lớn làm nhiều thứ chỉ vì xã hội cho rằng họ nên làm như vậy, chứ chưa chắc 100% đó là điều họ thực sự muốn. Sinh ra là một người hướng nội trong một đất nước với lối sống cộng đồng không dễ dàng gì với mình. Mình vẫn luôn thấy biết ơn vì dù gia đình mình cũng không khá giả lắm nhưng khi mình bắt đầu lên cấp 3 thì mình có phòng riêng nên phần nào đó mình thấy tự do sống trong “thế giới” của mình. Đọc sách cũng là một trong những cách mình được sống trong thế giới của mình, được trò chuyện với tác giả sách – những người thông thái mà mình ngưỡng mộ, cộng đồng mà mình muốn sống. Đất nước xinh đẹp này khuyến khích lối sống cộng đồng, nhưng bị đánh giá thành tích, sự thành công của bạn như những cá nhân riêng lẻ. Nếu mình chỉ thích chơi với một số người nhất định/một nhóm nhỏ, mình bị coi là sống không hòa nhập với xã hội xung quanh, nhưng nếu mình sống một cuộc sống bình thường, mình bị coi là người không có tài cán gì nổi bật chứ không phải bất kỳ lý do nào khác, không phải môi trường xung quanh. Nó giống như việc nếu bạn gieo một hạt giống của một cái cây, nếu nó không phát triển, bạn sẽ đổ lỗi cho hạt giống đó hay là nhiệt độ, ánh sáng, nước?
Một trong những lý do mình không muốn đăng tải trên mạng xã hội (nhưng tất nhiên, mình vẫn phải và cần đăng trên LinkedIn, mạng xã hội dành cho những người đi làm, để có lợi thế cạnh tranh trong công việc hơn, gần hơn với các nhà tuyển dụng, để hiện diện (show up) chứ không phải phải thể hiện (show off) bởi vì nó không phản ánh nỗ lực 3 năm 3 lần ứng tuyển và nhiều năm học Tiếng Anh của mình chỉ bằng một vài bức ảnh bạn xem trong vài giây. Mình không muốn các bạn trẻ nghĩ rằng thành công đến chỉ qua 1 đêm, điều mà các trang mạng xã hội thông thường, mọi người vẫn đang phô diễn cuộc sống đẹp đẽ của mình mỗi ngày. Ai cũng chạy trên đường đua đó, đường đua chạy theo thành tích CÁ NHÂN không hồi kết. Mình sẽ là một trong những người không chạy trên đường đua đó.
Nhớ 1 lần mình làm bài tập về nhà môn Địa Lý, mình thấy khó quá mình để tối làm tiếp, bố bảo là sao không thấy cố gắng gì cả. Và rồi bố mình ra bàn học hướng dẫn mình làm bài. Mỗi khi mình gặp bài toán khó không làm được, mẹ mình bảo đọc kỹ đầu bài đi. Từ mẹ, mình học được tính kiên trì, bền bỉ, không được bỏ cuộc. Với mình “Good things take time” – Những thứ quý giá đều cần có thời gian để hình thành, trau dồi, cải thiện. Mọi người không biết rằng ít nhất 2 tuần 1 lần, mình đều viết và đều ra bài viết mới chứ không phải là thỉnh thoảng mới viết những bài mình chia sẻ trên Facebook. Luyện viết không phải là có hứng mới viết, luyện viết là mỗi khi bạn có ý tưởng mới, góc nhìn mới, bạn cần phải lấy điện thoại ra ngay để ghi chú vào, sau đó sắp xếp ý, liên kết các ý tưởng ngắn thành một bài viết nháp (connecting the dots), chèn hình ảnh, đọc lại, chỉnh chính tả/ngôn từ (giống như phần 1 của bài biết này, mình ghi chú từ tháng 03.2024). Nhiều khi mình đọc 1 bài mình viết đến chán chê, ngán ngẩm mà khi post lên vẫn có người khen.
“If you are going to achieve excellence in big things, you develop the habit in little matters. Excellence is not an exception, it is a prevailing attitude.”
– Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ – Colin Powell
(Tạm dịch: Thành công không phải làm 1 việc 1 lớn xuất sắc, mà là làm việc nhỏ xuất sắc mỗi ngày.”
Nhân tiện, nếu một ngày mình (may mắn) có xuất bản sách và được độc giả đón nhận, mình muốn nói với các bạn rằng, mình đã bắt đầu viết từ năm 2020 và viết nghiêm túc từ năm 2023 rồi nhé. Và mình tự nhận mình không phải người giỏi viết. Mình học ban tự nhiên (Toán, Lý, Hóa) lớp chọn 3 năm cấp 3 (thật ra vì môn Ngữ Văn mà mình vào lớp A2 (lớp thứ nhì), khi chỉ được 3 điểm văn, chứ không phải A1 (lớp thứ nhất trong trường) và lên đại học mình học Vật Lý. Nhưng mình tự hào khi nói kĩ năng viết của mình đã tiến bộ và đó đều do mình cố gắng mà có được.
Mình cũng khó chịu khi vài người chia sẻ họ đạt được chương trình này dễ thế nào. Nhưng đừng quên rằng, khi đạt được điều gì đó, họ chắc chắn có thể nói nó dễ thế nào cũng được, vì họ đã đạt được rồi. Tuy nhiên, cũng có thể họ giỏi ngay từ trong trứng nước, nhưng nếu không được như vậy, hãy tự hào nói rằng tất cả những gì bạn đạt được hôm nay đều do năng lực, sự cố gắng, kiên trì, nỗ lực, không bỏ cuộc của bạn.
2. Less is more – Ít hơn là nhiều hơn.
Với những người thân thiết và hiểu mình, mọi người đều biết mình không thích mang nhiều hành lý khi di chuyển. Nếu suy nghĩ sâu hơn, bạn có thể thấy rằng nhiều thứ con người làm về bản chất họ đều muốn hành động đó đem lại cảm giác tích cực (như trong bài viết Mình nghĩ gì về khao khát của con người trước đó). Bạn muốn đi du lịch vì nó tạo cảm giác điều mới mẻ, thư giãn sau thời gian làm việc, … Bạn muốn trở nên giàu có hơn vì muốn có cảm giác được làm mọi thứ/mua mọi thứ mình muốn. Bạn muốn có mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh vì muốn có cảm giác được yêu thương, và mình cũng vậy, mình không muốn mang nhiều đồ, mình muốn có cảm giác nhẹ nhàng khi di chuyển.
Tuy nhiên, với lần đi lần này, mình định là mang 2 vali, 1 vali đồ của mình như mọi khi và 1 vali để đồ mua quà cho mọi người. Sáng hôm bay, mình bỏ lại 1 vali, mình cảm thấy đó không phải mình. Và mình nói không với điều đó.
“Every time you say yes to something that is unimportant, you say no to something that is important. “Yes men” and “Yes women” never create anything great. There’s huge value in getting good at saying no.” […] You can’t be all things …
– The Greatness Guide.
(Tạm dịch: Mỗi lần bạn đồng ý với điều gì không quan trọng, bạn đang nói không với điều quan trọng. “Dạ vâng” không bao giờ tạo ra điều gì có ý nghĩa. Có điều giá trị lớn khi nói không”.
Khi chuẩn bị đồ, mình sẽ hỏi bản thân rằng: mình có THỰC SỰ cần đến nó không? Nếu thiếu nó thực sự mình sẽ không thể hay khó ở Mỹ không? Mình bỏ lại đồ make-up, chỉ mang đi vài bộ đồ để mặc. Nhưng ngược lại, mình mang theo cái đầu cởi mở, một cái đầu rỗng để có nhiều chỗ để học những điều mới.
Trước khi đến mỗi bang, mình bỏ lại những thứ đồ không cần thiết, để đủ chỗ thêm cho những đồ vật mới: món quà cho những người quan trọng, sách được tặng. Nó như việc mình tiếp nhận những điều mới mẻ học được trên hành trình.
Khi trở về Việt Nam, vẫn chiếc vali đó, nhưng nó đã bớt nhiều vật dụng mình mang từ đầu, nhưng chứa đựng nhiều vật dụng mới hơn mình có trên hành trình. Nó như việc tâm trí mình đã lấp đầy bởi những kiến thức, trải nghiệm mới.
3. Hard times will always reveal true friends – Lúc khó khăn bạn sẽ biết ai thực sự là bạn.
Trong khoảng 2 tuần đầu của chương trình, với tâm thế muốn học hỏi nhiều nhất có thể, nên mình đi trên hành trình tương đối cá nhân. Khi đi bộ từ khách sạn đến trường đại học, thấy các bạn đi chậm, mình nghĩ rằng “Mình đi cả nửa vòng trái đất đến đây không phải để chờ ai cả”. Nói vậy nghe có vẻ tiêu cực, nhưng mình thích đúng giờ và thường mình muốn đến sớm hơn 10 phút.
Tối đến, sau khi trở về từ trường, mình đọc tài liệu cho buổi học sau, viết những điều mình học được trong ngày và đăng tải trên LinkedIn (mạng xã hội dành cho những người đi làm), giặt quần áo (sau 2 tuần mới biết giặt quần áo miễn phí, hic), lên danh sách các công việc cần làm hôm sau. Quen sống một mình ở Hà Nội, mình nghĩ rằng tại sao các bạn tối hôm nào cũng sang nhà nhau chơi nhỉ?
Đến những ngày đầu tuần thứ 4 (trong 5 tuần tất cả), cuối cùng mình cũng mở lòng hơn, mình có vài người bạn rất thân, dù không nhiều, nhưng mình cảm thấy vui vẻ hơn trên hành trình này. Khi mình có buổi khai vấn (coaching) với Mr. Val McPerson, mình hỏi rằng mình thấy các bạn kết bạn với nhau rất nhanh, còn mình thì không mình chỉ thân được với vài bạn. Mr. McPerson trả lời mình rằng: “You can be picky. You will choose the good ones.” (Cháu có thể kén chọn mà. Và cháu sẽ chọn được những người phù hợp với mình thôi). Bác cũng bảo là mình cũng sẽ chọn đồng đội để làm việc cùng nữa – một điều mình cũng đồng ý vì nếu làm việc với người không cùng hướng đi, rất mất thời gian và năng lượng, nhiều khi cũng không đi đến đâu.
Khi sang New York, mình rất mệt. Sau khi trở về từ United Nations Headquarters, mình về khách sạn, tắt hết các cách liên lạc và ngủ một mạch 2 tiếng từ 7h-9h tối. Khi tỉnh dậy, mình nghĩ là “Thôi xong, các bạn đi hết rồi”. Mình nghĩ rằng mình sẽ chỉ loanh quanh chỗ Times Square (Quảng Trường Thời Đại) thôi, vì được dặn là khi đến New York không nên đi một mình bên ngoài.
Bất ngờ thay, Moch – một người bạn rất thân của mình từ Cambodia – chờ mình một mình trong 2 tiếng, dù mình không hẹn Moch, không bảo Moch phải chờ mình. Moch không cần phải để mình bảo mới làm. Bạn ý tự làm điều đó vì mình.
Enid: “I’ve tried really, really, really hard to be your friend. Always put myself out there. Thought of your feelings. Told people, ‘I know she gives off serial killer vibes, but she’s really just shy.’”
Wednesday: “I never asked you to do that.”
Enid: “You didn’t have to, because that’s what friends do. They don’t have to be asked. And the fact that you don’t know that says everything. You want to be alone, Wednesday? Be alone.”
– Wednesday và Enid trong phim Wednesday
(Tạm dịch:
Enid: “Mình đã rất, rất, rất cố gắng để làm bạn với cậu. Luôn đặt bản thân mình ra. Nghĩ đến cảm xúc của cậu. Và nói với mọi người rằng, ‘Mình biết cậu ấy toát ra vẻ giống một kẻ giết người hàng loạt, nhưng thực ra cậu ấy chỉ ngại ngùng mà thôi.’”
Wednesday: “Mình chưa từng yêu cầu cậu phải làm điều đó.”
Enid: “Cậu không cần phải làm vậy, vì đó là điều bạn bè thường làm. Họ không cần phải được bảo thì mới làm. Và việc cậu không biết điều đó đã nói lên tất cả. Cậu muốn ở một mình ư, Wednesday? Vậy cứ sống một mình như vậy đi.”
Tối hôm sau, mình và Moch tự đi tàu điện ngầm tới Brooklyn Bridge, China Town, …. Điện thoại Moch không có mạng, không có sim sử dụng được ở US; còn điện thoại mình gần hết pin. Đầu mình tự nghĩ rằng: “ok, mục tiêu của mình là đưa bạn ấy về tới khách sạn an toàn, mình sẽ bảo vệ bạn ấy.” Và chúng mình đã làm được.
Sứ mệnh của YSEALI là nuôi dưỡng cộng đồng lãnh đạo trẻ xuyên biên giới để giải quyết vấn đề chung thì chương trình thật sự đã làm được điều đó. Nếu sau này Moch cần gì hỗ trợ từ mình, nếu chỉ là xuất hiện trực tuyến thôi, mình sẵn sàng tham gia.
Tái bút
Ngày cuối trước khi chương trình kết thúc, bọn mình được khuyển khích chia sẻ về chương trình đến các bạn trẻ khác. Vì vậy, các bạn sẽ thấy mình xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới. (Yay).
Đây là một vài dòng suy nghĩ của mình trong thời gian trước khi từ Mỹ trở về Việt Nam, cùng ngóng chờ các bài viết tiếp theo của mình nhé.
iu bạn 3000 <3.
1win – популярная онлайн казино платформа — популярная платформа для онлайн азартных игр. Оно предлагает широкий выбор игровых автоматов, игр на столах и спортивных ставок в интуитивно понятном интерфейсе. Приветственные бонусы и регулярные акции делают азартную игру выгодной и увлекательной. Стабильная работа сайта и оперативные выплаты делают 1win оптимальным выбором для любителей азарта. Постоянно обновляемое рабочее зеркало в Telegram канале – https://t.me/s/zerkalo_1win_rabochee_nasegodnya.