Liệu có phải yêu thương là luôn luôn muốn người đó ở bên mình không? Nếu không, làm thế nào để biết khi nào cần buông tay?
“I want to see you smile but
Know that means I’ll have to leave.”
(Tạm dịch: Anh muốn nhìn thấy em cười, nhưng nó đồng nghĩa với việc anh cần phải rời xa em.)
Hai câu hát trên nằm trong bài hát “Happier” của DJ Marshmello. Mình nghe bài hát này từ khi mình còn là sinh viên năm 2-năm 3. Khi đó trong đầu mình nghĩ rằng: Tại sao anh ấy lại muốn rời xa cô để cô được vui vẻ hạnh phúc vậy? Ở bên cạnh cô ấy, hỗ trợ cô ấy mới là điều đúng đắn, nên làm chứ?
Trong thời gian COVID, mình có nuôi một em mèo tên là Miu. Mình rất yêu em ấy, nhưng mình cũng thấy mình quá bao bọc em ấy, hay mình tự nhận là một “overprotective parent”. Sau khi nhận ra điều này, mình nói với bố mình rằng, mình thấy bố mình quá là dũng cảm khi để mình được tự do lựa chọn, tự do mắc sai lầm, tự do học hỏi, tự do làm chủ và chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình.
Khi đi dạo quan sát thiên nhiên với người yêu mình, mình nhận ra rằng, đôi khi cũng không nên kè kè 100% bên người mà mình yêu thương. Khi con chó của anh ấy đang cắn nhau với con chó khác, nếu là mình, mình sẽ can ngăn ngay vì sợ nó bị thương. Nhưng anh ấy nói rằng “he’ll learn the lesson” – nó sẽ học được bài học thôi (tất nhiên, trong trường hợp quá nguy hiểm, anh ấy sẽ can thiệp). Đối với những cành cây, nhành hoa bên đường, mình cũng cần để yên cho chúng như vậy. Nếu mình can thiệp, chúng sẽ không còn tươi tốt nữa.
Rời ra ở đây không có nghĩa là rời bỏ họ, chỉ là cho họ không gian riêng để họ “thở”, tự do làm điều mình muốn. Nếu bạn luôn bên cạnh họ 24/7, họ có thể cảm thấy rất ngột ngạt. Vì cuộc sống không chỉ có bạn và họ, mà còn có bạn bè, sở thích cá nhân, giải trí, mục tiêu cần phấn đấu phải không nào?
Chúc bạn sẽ gặp được người mình yêu thương, cũng như cho họ có khoảng không gian để họ cảm thấy thoải mái nhé.
A Mindful Observer.