Bạn có bao giờ cảm thấy “lạc lõng” trên bàn ăn?
Khi xem bộ phim Wonder (Điều kỳ diệu) mình có rất nhiều suy nghĩ. Bộ phim kể về cậu bé Auggie Pullman với khuôn mặt biến dạng vì một dị tật bẩm sinh. Dù mới chỉ 10 tuổi, cậu bé phải trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật để có thể sống bình thường. Khi tới lớp 5, bố mẹ của cậu quyết định để cậu đến trường học cùng các bạn sau một thời gian dài chỉ học ở nhà cùng mẹ.
Với vẻ ngoài khác lạ và có đôi phần đáng sợ, cậu bé bị bạn bè trêu chọc, xa lánh. Cậu bé rất nhiều lần muốn bỏ cuộc.
Tuy nhiên, vẫn có điều may mắn đến với Auggie. Không chỉ sở hữu trí tuệ siêu đẳng, bố mẹ cậu bé rất quan tâm, hỗ trợ, khuyến khích và ủng hộ cậu bé. Nhưng chính việc dành quá nhiều thời gian cho cậu bé, có vẻ như thiệt thòi này, bố mẹ cậu lại không quá ngó ngàng đến cô con gái lớn, một cô gái vẻ ngoài bình thường, của mình.
Nếu sự bất hạnh của cậu con thứ là ngoại hình thì nỗi bất hạnh của cô con gái cả, đáng thương thay, lại chính là sự thiếu quan tâm của cha mẹ.
Sống trong một gia đình với 3 thế hệ từ nhỏ, mình khá quen với việc những thành viên lớn tuổi được quan tâm nhiều hơn. Bà nội mình, một người đã ngoài 90 tuổi dành được mọi sự chú ý, quan tâm của tất cả các thành viên trong gia đình. Đôi khi mình cảm thấy mọi người dành tất cả thời gian trên bàn ăn nói chuyện về việc cho bà ăn gì, cho bà ăn thế nào, …
Khi quan sát trong mâm cơm của những gia đình có thành viên nhỏ tuổi, mình thấy các em nhỏ cũng nhận được toàn bộ sự chú ý trong mâm cơm người Việt, những thành viên có vẻ “bình thường” khác thì chưa được quá quan tâm như vậy.
Tuy nhiên, mình thấy như thế là không nên, tất cả mọi thành viên đều nên được quan tâm trên bàn ăn. Vì trong thời đại ngày nay, có hàng chục vấn đề bên trong khác mà nếu chỉ quan sát bên ngoài khó mà có thể nhận ra được: áp lực đồng trang lứa, áp lực công việc, ….
Mình không bao giờ chia sẻ quan điểm này với người thân và với mọi người xung quanh. Một phần mình không muốn thảo luận những vấn đề nhạy cảm với những người không cởi mở, cách diễn đạt của mình nếu không rõ ràng dễ khiến mình trở thành người con ‘không hiếu thảo’ trong mắt mọi người xung quanh, … Tuy nhiên, vào một ngày tháng 3 năm 2022, bố mình khiến mình bất ngờ khi đưa ra tư tưởng này với mình.
Hôm chị gái mình sinh em bé được một ngày, mình rất mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần. Hôm đó mình nhớ, trên đường đèo mẹ đến bệnh viện thăm chị gái và cháu, mình vừa đi vừa khóc. Tất cả mọi sự tập trung đều hướng về chị gái và cháu mình, mình cảm thấy hơi lạc lõng và buồn một xíu. Nhưng khi đó, bố mình hỏi han mình chuyện ăn uống, quan tâm đến mình. Lúc đó mình khá bất ngờ khi bố mình nói là “tao lo cho mày ý chứ”, mình đáp lại rằng mình đã ăn tối rồi, dù mình đã ăn đâu.
Vậy nên với nhiều sự khó khăn dễ dàng nhận thấy của các thành viên trong gia đình: chậm chạm của người lớn tuổi, vụng về của trẻ con, thiệt thòi về ngoại hình, …, họ nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Mình đồng ý, nhưng cũng đừng quên quan tâm đến những thành viên “bình thường” còn lại trong gia đình.
Vì mọi người đều cần được quan tâm “trên bàn ăn”, đúng không nào?