Bài viết về hành trình leo núi Lảo Thẩn (cao 2860m) của mình trong thời gian 28/04/2023 – 30/04/2023, không nhằm mục đích đánh giá về dịch vụ của bất cứ tổ chức nào, vì vậy những nội dung liên quan đến chất lượng dịch vụ sẽ không được đề cập.
—– KỶ NIỆM —–
Có nhiều sự yêu thương, giúp đỡ không vì mục đích gì
1. Cho mượn đồ leo núi trước khi đi
Dù bản thân đã chuẩn bị về thể lực khá tốt khi tập thể dục thường xuyên, nhưng vẫn có những thứ bản thân mình không kiểm soát được.
Sau khi tham khảo lời khuyên của bạn Thanh Huyền – người đã đi leo núi trước đây, và anh dẫn đoàn về những đồ dùng cần thiết cho chuyến hành trình, mình chỉ đem đủ những gì được dặn dò vì sợ mang nhiều sẽ nặng, khó di chuyển. Tuy nhiên, mình không lường trước được những sự việc xảy ra khi thời tiết mưa, nắng thất thường. Vậy nên khi trời mưa ngay hôm đầu tiên, mình đã được chị Xuyến Phạm – bạn đồng hành cùng mình trong chuyến đi lần này – mượn chiếc quần hồng cute phô mai que khi quần áo ướt hết.
Không những vậy, khi leo núi xong, người bẩn thỉu không có đồ thay, mình còn được chị Hương tặng chiếc áo. Vì ở cách nhau xa, mình hỏi chị rằng “nhưng em gửi lại chị như thế nào”, “ôi giời, có cái áo thôi mà”, chị đáp. Dù không có nam nhân nào bên cạnh, nhưng vẫn rất cảm ơn những người phụ nữ đến bên đời tui.
2. Mua đồ ăn cho
Là một đứa con gái ăn khá nhiều (thật ra là không hay ăn vặt, ăn đúng bữa nên đến bữa thì ăn nhiều), nên là lúc chuẩn chị lên xe khách bắt đầu hành trình, mình khá đói.
Lúc đó chị Xuyến chưa đến, mình có bắt chuyện với chị Châm Anh. Nói chuyện được vài câu, mình hỏi chị Châm Anh: “Chị ăn bò bía không? Ôi quên mất, em không mang tiền mặt”. Chị liền bảo luôn rằng “Chị không ăn, em ăn không chị mua cho” và sau đó mua cho mình ăn. (Trước đó, ngân hàng mình lỗi, mình không chuyển khoản được cho anh Grab khi đặt xe đến điểm chờ, lại phải nhờ đến cô bạn Thanh Huyền).
Bò bía được chị Châm Anh mua cho khi đói
Mình cười lớn, hỏi chị sao lại mua đồ cho người lạ. Chị đáp lại là “thế em cũng dám ăn, không sợ bị lừa à”. Xong chị nói rằng đúng là đỉnh cao khi một đứa dám mua đồ cho người lạ và một đứa dám ăn đồ của người lạ.
3. Giúp đỡ, chia sẻ và hỗ trợ nhau
Như mình đã nói ở trên, mình chỉ mang những thứ cực kỳ thiết yếu nên mình không mang đồ ăn. Vì mình cũng nghĩ rằng đến bữa thì sẽ có đồ ăn thôi. Nhưng leo núi mất sức khiến mình đói sớm hơn. Vậy nên khi mình đến lán (nơi dừng chân thứ 2) khi mọi người mang đồ ăn ra và chia sẻ, mình chén nhanh không kịp giữ ý.
Bức ảnh khi lên lán, chuẩn bị nghỉ chân để sáng hôm sau lên đỉnh núi, thể hiện sự đói bụng vô cùng của mình. Xin lỗi mọi người vì em đã quá đói.
Note: Bạn có thể đọc bài viết “Đôi điều về lòng tốt của mình“, mình tin Thế Giới vẫn còn nhiều người tốt lắm.
Ngoài chia sẻ các đồ dùng cá nhân, mọi người còn động viên nhau trong suốt hành trình. Hình ảnh mình sẽ không bao giờ quên được là khi mọi người đứng bên trên, soi đèn giúp mình khi lên đỉnh núi.
Trong chuyến hành trình, em Rùa là bạn nhỏ đồng hành với cả đoàn. Giống như việc chúng ta cảm thấy biết ơn về điều gì thì chúng ta sẽ đồng cảm với đối tượng tương ứng. Nếu như Sếp mình đồng cảm với những người lớn tuổi thì mình đồng cảm với những em nhỏ hơn. Vì mình biết ơn cuộc sống khi được đi học và cuộc sống của mình tốt đẹp hơn cũng vì điều này.
Bé Rùa – bạn nhỏ đồng hành cùng cả đoàn trong suốt hành trình.
Khi leo núi xuống, mình muốn tặng em một cái gì đó, mà bản thân không có gì. Trong mấy chục năm mình chưa bao giờ cảm thấy mình chả có gì để tặng lại mọi người như vậy. Không mang tiền mặt, ngân hàng lỗi không chuyển khoản được, đồ ăn không mang, quần áo mang thiếu, mình chả có gì. Mình lục trong balo, chỉ có một thỏi son, mình hỏi, con có thích đánh son không. Rùa trả lời không. Mình nghĩ lại câu chuyện đã được học trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4.
Lúc ấy, tôi đang đi trên phố. Một người ăn xin già lọm khọm đứng ngay trước mặt tôi. Đôi mắt ông lão đỏ đọc và giàn giụa nước mắt. Đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi thảm hại… Chao ôi! Cảnh nghèo đói đã gặm nát con người đau khổ kia thành xấu xí biết nhường nào! Ông già chìa trước mặt tôi bàn tay sưng húp, bẩn thỉu. Ông rên rỉ cầu xin cứu giúp. Tôi lục tìm hết túi nọ túi kia, không có tiền, không có đồng hồ, không có cả một chiếc khăn tay. Trên người tôi chẳng có tài sản gì. Người ăn xin vẫn đợi tôi. Tay vẫn chìa ra, run lẩy bẩy. Tôi chẳng biết làm cách nào. Tôi nắm chặt lấy bàn tay run rẩy kia:
– Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả. Người ăn xin nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt ướt đẫm. Đôi môi tái nhợt nở nụ cười và tay ông cũng xiết lấy tay tôi:
– Cháu ơi, cảm ơn cháu ! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.
– Ông lão nói bằng giọng khản đặc. Khi ấy, tôi chợt hiểu rằng: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được chút gì của ông lão.
— Ivan Sergeyevich Turgenev
—- CHIÊM NGHIỆM —-
Tin tưởng vào hành trình của bản thân
1. Hướng đến mục tiêu lâu dài, đừng để lợi ích trước mắt che lấp
Trên chặng đường leo núi, chúng mình thường được nhắc nhở về việc nghỉ chân thì nên nghỉ làm nhiều lần, nhưng mỗi lần chỉ nên nghỉ trong thời gian ngắn thôi. Trên cung đường đó, (không kể đến dẫn đoàn) thì vị trí dẫn đầu thật dễ để thay thế. Có những người dẫn đầu trên những đoạn đầu tiên, nhưng có những người khi đến đỉnh núi mới là người đi đầu.
Chị Xuyến, mình cảm thấy là một người như vậy. Ở những đoạn đường đầu tiên, chị thường đi sau và với dáng vẻ uể oải, mệt mỏi. Tuy nhiên, trên đoạn đường gần đến đỉnh núi, chị là một trong những người lên đầu tiên. Vậy nên, trên hành trình thực hiện mục tiêu của mình – đỉnh núi – không cần quá bận tâm đến những lợi ích trước mắt – vị trí dẫn đầu tại những cung đường dưới – mà quên mất bản thân mình có một mục đích lớn hơn nhiều.
“Don’t aim for short-term gain, aim for long-term goal”.
– Anh Thu Do
(Tạm dịch: Đừng hướng tới những lợi ích trước mắt, hãy nhắm tới mục tiêu lâu dài)
Trong hành trình phát triển bản thân, cũng có lần mình chỉ chăm chăm vào lợi ích trước mắt như vậy. Những ngày tháng hoạt động ngoại khóa xuyên ngày đêm khiến mình quên mất việc học Tiếng Anh – chuyên ngành Đại học của mình – điều đảm bảo lợi ích về lâu dài của bản thân. Có được giải thưởng hoạt động ngoại khóa này, chương trình nọ – những lợi ích ngắn hạn – cũng không thể cứu nổi một lần mình thất bại trong chính lĩnh vực chuyên ngành của bản thân.
Khi đang học năm thứ 2 Đại học, mình có ứng tuyển làm thực tập sinh Phòng Văn Hoá của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và đã qua vòng đơn. Mình đã chắc mẩm rằng bản thân sẽ qua vòng 2 – vòng đánh giá năng lực Tiếng Anh thôi, nhưng không ngờ, mình trượt thẳng cẳng. Những sinh viên khác có thể thấy thất vọng 1 thì mình thất vọng 10. Vì mình là sinh viên Đại học Sư Phạm Hà Nội, chuyên ngành Sư Phạm Tiếng Anh – nơi sản sinh ra những giáo viên giảng dạy bộ môn này cho thế hệ tương lai – mà lại thất bại trong vòng đánh giá năng lực Tiếng Anh.
Đây chính là vấn đề mình mắc phải, mình luôn dành thời gian suy nghĩ về mục tiêu, đường hướng mình muốn đi, những lợi ích trước mắt mà đôi khi quên mất việc xây dựng nền móng thật vững chắc cho sự nghiệp của mình trong tương lai.
Từ bài học này, mình nhận thức được rằng nên đầu tư cho bản thân hơn là cho công việc. Vì giống như trên, đầu tư cho bản thân mang tính dài hạn và bền vững hơn, ngược lại, đầu tư cho công việc mang tính tạm thời và không bền vững trong thế giới không ai là không thể thay thế này. Mình rất biết ơn khi đã được thấu hiểu khi mình chia sẻ điều này với Quản lý trực tiếp của mình – Chị Huyền CEO Crestcom Vietnam.
Để đảm bảo mình học hỏi được nhiều nhất từ công việc đang làm, cũng như ngoài công việc, mình thiết lập một số quy tắc cho bản thân. Trong thời gian làm việc, mình tập trung hoàn toàn cho công việc. Tuy nhiên, khi tối đến, mình muốn dành thời gian trau dồi bản thân như đọc sách, học Tiếng Anh tốt hơn, tìm hiểu về các thông tin học tập bậc cao hơn, đi networking, …
2. Nếu mục tiêu không rõ ràng, vẫn phải bước tiếp thôi
Trong những ngày tháng đã qua, ở một vài giai đoạn, mình luôn biết mục tiêu của mình là gì, cần tham gia chương trình gì để đi đúng hướng.
Tuy nhiên, khi mình còn 1 kỳ nữa là hoàn thành xong chương trình học Đại học, bản thân mình thấy mất định hướng vô cùng. Năm năm hoạt động ngoại khoá không mệt mỏi để phục vụ cho việc trở thành Quản lý sự kiện, nhưng khi thực tập bán thời gian khi còn học, mình thấy bản thân không phù hợp. Mình cảm thấy 5 năm của mình trôi tuột qua sông.
Việc leo núi khiến mình thấy điều tương tự. Trên hành trình này, hầu như mọi lúc, mọi người không ai có thể nhìn thấy đỉnh núi đâu mà chỉ nhìn thấy vài bước tiếp theo của mình thế nào. Nhưng khi đó, điều duy nhất bạn có thể làm là bước tiếp thôi. Chỉ đơn giản là bước tiếp một bước về phía trước, không để bản thân trôi ngược về phía sau. Vì việc bạn không làm gì, nằm đó than thân trách phận, đóng vai ‘nạn nhân’ cũng là một hành động rồi.
Dọc đường đi, có nhiều thời điểm tầm nhìn xa rất thấp
Khi đó, dù mất phương hướng, mình biết mình vẫn phải bước những bước tiếp theo thôi. Sau khi hoàn thành chương trình học Đại học với ước mơ làm Quản lý sự kiện tan tành, mình nhận ra bản thân hợp với Giáo dục đào tạo. Vậy nên, mình đã ứng tuyển thành công và làm việc lại Crestcom Việt Nam dù thời gian đó công ty chưa có nhu cầu tuyển thêm nhân sự mới.
3. Sự bền bỉ và kiên định
Hành trình leo núi, có lẽ điều mình học được nhiều nhất là tin tưởng vào hành trình riêng của bản thân. Trước đây, chắc chắn mình sẽ luôn là đứa ghim trong đầu câu nói “mình phải lọt top những người leo lên đỉnh sớm nhất, top những người về đích nhanh nhất”. Mình không đốc thúc bản thân phải đi theo tiêu chuẩn thành công của xã hội, mình đi chậm hơn, nhưng mình biết mình bền bỉ hơn. Mình biết dù thế nào mình vẫn sẽ đến đỉnh núi thôi.
“Life is a marathon, not a sprint”.
– Unknown
(Tạm dịch: Cuộc sống là một đường đua dài, không phải cuộc chạy đua nước rút)
Vào buổi sáng hôm sau, khi mới gần đến đỉnh núi, bản thân mình rất mệt. Mình thấy không gian xung quanh đẹp, muốn nghỉ ngơi và tận hưởng.
Nhưng khi đó mình nghĩ, cảnh ở đây cũng đẹp thật đấy, ngắm bình mình ở đây cũng đẹp thật đấy, nhưng nếu mình dành thời gian lông bông ở lưng chừng, mình sẽ bỏ lỡ khoảnh khoắc trên đỉnh núi mất. Mình nghĩ rằng đó giống như việc mình dành thời gian cho những việc vô ích trong suốt quãng đường đến ước mơ, mình cũng sẽ bỏ lỡ chúng mất.
Đội mũ lên, cầm gậy và tiếp tục, vừa đi mình vừa nghĩ đến câu nói:
“Có hai điều không thể bỏ lỡ trong cuộc sống. Đó là những chuyến xe cuối cùng và những người yêu ta thật lòng”
– Vũ Nhật Ánh (Mắt Biếc)
Trong trí nhớ của mình, chưa bao từng bỏ lỡ chuyến xe buýt cuối cùng về nhà, mình cũng sẽ không bỏ lỡ lần đón bình minh này được.
Trên hành trình trưởng thành, mình được biết đến nhiều bài học về sự bền bỉ và kiên định với mục tiêu của mình.
Mentor đầu tiên của mình – anh Nguyễn Trí Hiếu – còn dành 9 năm để ứng tuyển học bổng đi học Cử nhân tại Hoa Kỳ. Thật sự, mình rất ngưỡng mộ anh, vì nếu như mình, mình nghĩ có thể sau 5 năm mình đã bỏ cuộc rồi.
Mình nhớ mãi chị Linh Ngọc từng khuyên mình khi mình đang chờ thông tin về chương trình YSEALI Academic Fellowship là kiên định với mục tiêu của mình. Với những người phụ nữ có ước mơ, có nhiều rào cản và quan tâm khi trưởng thành, có lẽ điều ý nghĩa nhất để khuyên là kiên định với mục tiêu của mình.
* Note: YSEALI Academic Fellowship (Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á) – chương trình trao đổi được đài thọ toàn phần với 5 tuần học tập & tham quan tại Mỹ bởi Bộ ngoại giao Hoa Kỳ.
4. Phát triển bản thân thật tốt để khi có cơ hội đến thì mình có “đủ năng lực” để thực hiện
Như câu chuyện của mình ở trên, khi mình có cơ hội để trở thành thực tập sinh Đại Sứ Quán Hoa Kỳ, nhưng khi đó, mình không có đủ năng lực để làm.
Đó là với mình, còn trong cuộc sống thì sao. Với Khánh Vy, dù có những người cho rằng bạn ý may mắn khi chỉ qua video 7 thứ tiếng, bạn ý nổi tiếng & thành công như vậy. Tuy nhiên, mình không nghĩ như vậy. Dù bạn ý không có chủ ý muốn làm MC , nhưng bạn ý rèn luyện Tiếng Anh thật tốt. Và khi cơ hội tới, ‘cờ đến tay’ là bạn ý ‘phất’ hay bạn ý đủ năng lực để đảm nhận.
Vậy nên, mình sẽ xây dựng nền móng vững chắc cho sự nghiệp của mình. Phát triển bản thân đủ tốt để khi “cờ đến tay” thì “phất” thôi.
Bay cao nào nhảy cao nào
Sau khi đã học được bài học về thất bại đó, mình đã học chăm Tiếng Anh lên một chút. Khi ứng tuyển học bổng AmCham, mình đã qua 2 vòng. Đến vòng 3 – vòng đánh giá năng lực Tiếng Anh, mình cực kỳ run, vì thất bạn trong quá khứ. May mắn thay, mình đã qua. Vậy nên, cơ hội không thiếu đối với người đi tìm kiếm, nhưng hãy rèn luyện bản thân đủ để đến khi cơ hội gõ cửa, bạn có khả năng để thực hiện nhé.
iu bạn 3000 <3
Note: AmCham Scholarship là học bổng thường niên của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ dành cho sinh viên năm cuối có thành tích học tập & hoạt động ngoại khóa nổi bật đến từ các trường Đại học tại Hà Nội.