Bài viết về hành trình leo núi Lảo Thẩn (cao 2860m) của mình trong thời gian 28/04/2023 – 30/04/2023, không nhằm mục đích đánh giá về dịch vụ của bất cứ tổ chức nào, vì vậy những nội dung liên quan đến chất lượng dịch vụ sẽ không được đề cập.
Bài viết được hoàn thành ngày 03/05/2023 nhưng chưa được mình đăng tải, một số trải nghiệm, quan điểm sống có thể sẽ thay đổi theo thời gian.
1. Sự chuẩn bị tốt
1.1. Chuẩn bị cho tương lai gần
Mình có 2 dòng máu của dân Tự nhiên (khi mình học Cử nhân Vật lí), và dân Xã hội (khi mình học Cử nhân Tiếng Anh) ở trường đại học. Bản thân vẫn thấy thích và nghiêng về phía Tự nhiên hơn, khi mình chỉ cần nắm vững công thức, lý thuyết thì sẽ có một cơ số bài tập mình sẽ làm được nếu biết suy nghĩ, vận dụng. Tuy nhiên, vì học Tiếng Anh khi đã lớn, nó đòi hỏi mình phải chăm chỉ từng chút một. Cụ thể hơn, mình học từ vựng A, vậy mình biết A, mình học ngữ pháp B, mình biết B. Do vậy, mình biết và tin rằng có nhiều thứ cần thời gian, chứ không phải một sớm một chiều, để thực hiện và hoàn thành. Nó giống như luận điểm của Triết học Mác – Lê-nin:
“Quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại”.
– Triết học Mác – Lê-nin (Nguồn: Tạp chí Tổ chức Nhà nước)
hay câu:
“Đủ nắng hoa sẽ nở, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy”
– Khuyết danh
Khi tiếp thu đủ kiến thức, bạn sẽ giỏi lên. Vì vậy việc chuẩn bị là vô cùng cần thiết.
Mình có dự định đi leo núi vào cuối tháng 02/2023. Để chuẩn bị cho mục tiêu này, mình chăm chỉ đi bộ và chạy chiều mỗi ngày trong tuần ở Hoàng Mai và đạp xe mỗi buổi chiều cuối tuần khi về nhà ở Thường Tín.
Một sự chuẩn bị tốt không những để bảo vệ bản thân khỏi những sự kiện trước mắt: chuột rút, căng cơ, … trong thời gian di chuyển, mà còn không làm ảnh hưởng đến người trong đoàn, tiến độ hành trình, và trở thành gánh nặng của người khác.
1.2. Chuẩn bị cho tương lai xa hơn
Giống như việc tập luyện trước khi đi leo núi, mình coi việc đầu tư vào bản thân là một sự chuẩn bị cho một tương lai xa. Nhưng quá trình chuẩn bị này không dễ thấy và không phải tất cả mọi người đều ủng hộ.
Sinh ra ở ngoại thành Hà Nội, mình thấy vẫn nhiều người lớn không quá coi trọng việc con gái học hành cao. Mình lớn lên với những câu nói “con gái học thức quá khó lấy chồng, đàn ông họ chỉ thích phụ nữ ở nhà chăm con mà thôi”. Thậm chí, mình từng nhớ khi nói chuyện với một chú ít tuổi hơn bố mình, mình đang học Đại học, chú bảo rằng “vẫn đi học cơ á”. Rất nhiều khi mình tự cảm thấy lạc lõng trong thế giới đó.
Trên suốt hành trình trưởng thành (và đang tuổi ngoài 20), mình được khuyên rằng con gái, cố gắng vất vả thế để làm gì, chọn một người tốt và có khả năng tài chính để sau này đỡ vất vả. Tuy nhiên, mọi việc đâu có đơn giản như vậy. Kể cả họ tốt, ổn định về tài chính, nhưng cũng không đảm bảo việc mình thích họ, và họ thích mình. Hơn nữa, nếu cả hai phía đều thích nhau, mọi việc sẽ thế nào nếu chồng mình bệnh, nếu chồng mình mất, mình không đủ tài chính để nuôi con, chưa kể đến bố mẹ mình, con mình, hay chậm chí cả mình khi mắc bệnh mà không tự chi trả được cho bản thân mà phải nhờ đến người khác. Thế giới đã thay đổi và không có gì được coi là ổn định hết.
Việc học tập, đầu tư, phát triển bản thân không chỉ là nhằm giảm gánh nặng về tài chính cho chồng mình sau này, mà còn là để đảm bảo cho cuộc sống bền vững. Phát triển lộ trình nghề nghiệp song song, quan tâm đến tự do tài chính, đầu tư thụ động.
Bức ảnh được nhận huy chương khi leo lên đến đỉnh núi Lảo Thẩn.
Việc con gái Dấn thân, hỗ trợ chồng về tài chính cũng là một cách để thể hiện nữ quyền một cách rất tích cực. Ngược lại, việc chồng phụ giúp vợ trong công việc gia đình cũng là một hành động không thể nam tính & trưởng thành hơn.
Khi mà tài chính không còn là vấn đề đưa ra trao đổi, gia đình bớt một chủ đề để tranh cãi và một trong hai người hoàn toàn có thể quyết định ở nhà chăm con mà vẫn có thu nhập.
2. Niềm vui khi được chủ động sống trong cộng đồng mình muốn
Thời gian cuối cấp 3, mình thường xuyên đọc về những những câu nói về sự thay đổi khi lên đại học. Lúc đó, với tâm hồn của một đứa con gái 18 tuổi, mình tự dặn bản thân rằng sẽ không bao giờ thay đổi, để mỗi khi gặp mặt bạn bè, mọi người vẫn nhận ra Kiên Lương của ngày nào.
Tuy nhiên, trong quá trình trưởng thành, mình cũng thay đổi đó, những sự thay đổi trong suy nghĩ, phong cách và quan điểm sống… và mình hoàn toàn thích bản thân mình, với những sự thay đổi này, hơn nhiều so với trước đây.
Tuy nhiên, khi trở lại gặp mặt các bạn cũ, mình không còn có nhiều câu chuyện để nói. Có thể bởi vì mình cũng trầm tính hơn, có thể sau nhiều năm, vì quan điểm sống khác nhau, chủ đề chung cũng ít dần để bàn luận.
Nhưng ngược lại, có những cộng đồng, mình cảm thấy có thật nhiều câu chuyện, chủ đề mà mình muốn nghe và thảo luận. Ví dụ như câu lạc bộ diễn thuyết & lãnh đạo “Hanoi Speakers Toastmasters“, các bạn trong chương trình Hướng nghiệp của Chevening “Chevening Vietnam Career Mentoring Programme” của Đại Sứ Quán Anh & chương trình học bổng thạc sĩ Chevening.
Là một người trẻ sống lành mạnh, yêu thiên nhiên và đam mê trải nghiệm, mình cũng đã tìm được cộng đồng như vậy khi đi leo núi.
Mình tự thấy rằng, một trong những điều tốt khi trở thành người lớn đó là được tự do lựa chọn cộng đồng mà mình muốn sống, muốn dành thời gian nhiều hơn cho họ.
Tái bút
Đó là trải nghiệm của mình khi lần đầu leo núi, còn bạn thì sao? Bạn đã đi leo núi bao giờ chưa? Bạn có quan sát gì về hành trình này không? Kể cho mình nhé.
iu bạn 3000 <3