Trước đây, trong bài viết “Mình nhận lại được gì khi đi xem triển lãm“, mình đã đề cập đến việc thiền sư Minh Niệm từng nói rằng: con người có 2 mong cầu, đó là sự tự do và khao khát được yêu thương. Nếu như trong bài viết đó mình tự nhận là, dù hiểu sự tự do là điều con người mong muốn, nhưng bản thân chưa đủ trưởng thành để hiểu là tại sao con người lại khao khát được yêu thương, nhưng bây giờ mình đã hiểu. Vậy mình nghĩ về hai tâm nguyện này của con người như thế nào?
1. Khao khát được tự do
Sinh ra là em út, khi mọi thành viên đều lớn tuổi hơn, là một điều rất tuyệt vời đối với mình. Mình được tự do trải nghiệm, làm điều mình thích, mà không cần phải làm gương cho ai nhỏ tuổi hơn trong nhà. Thêm vào đó, mình dành phần lớn tuổi thơ với bố, người không cố uốn nắn mình theo khuôn mẫu “phụ nữ Việt Nam đảm đang” nên cho mình quyền quyết định nhiều thứ trong cuộc sống, và mình cảm nhận rằng bố cũng tin tưởng vào các quyết định của mình. Bố mình thậm chí còn bảo rằng nếu mình muốn lấy chồng là “tướng cướp” bố cũng cho. Tuy nhiên, bố cũng hay nhắc nhở mình rằng làm gì thì làm, phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình, chơi game phải chịu luật chơi. Mình cũng mong rằng trong tương lai, gia đình của mình cũng cho mình tự do làm chủ sự thành công, cũng như làm chủ sự thất bại/sai lầm của bản thân mình. Vì tất nhiên, sai lầm càng lớn thì bài học mình học được sẽ càng sâu sắc.
Càng lớn, mình càng thấy rằng, tự do hơn, đồng nghĩa với việc mình cần có trách nhiệm hơn cho cuộc sống của bản thân.
1.1. Sống có trách nhiệm cho tương lai của bản thân
Mình hay tự nhủ với bản thân rằng, mình có thể có lỗi với bất kỳ ai, thậm chí có lỗi với bản thân trong quá khứ rất nhiều, nhưng không thể có lỗi với tương lai của bản thân được.
Mình từng tâm sự với một chị, nhân sự công ty mình đang làm rằng, thỉnh thoảng mình cũng hay ghen tỵ với con của các anh chị trong công ty, rằng các bạn/em được bố mẹ tạo cho môi trường hỗ trợ sự phát triển nên các bạn/em rất giỏi, giỏi hơn mình rất nhiều. Khi ở độ tuổi mà mình còn vẫn đang đắn đo xem nên mua loại bim bim nào và được chị gái dặn là không mua, tốn tiền; thì các bạn/em đã học Tiếng Anh rất là đỉnh rồi.
Chị Chi Nguyễn (PhD Giáo dục) nói trong rằng con người có 4 loại vốn:
- Vốn kinh tế (economic capital): kinh tế của gia đình sẽ tạo môi trường giáo dục cho bạn tốt hơn.
- Vốn văn hóa (cultural capital): cha mẹ có điều kiện sẽ cho bạn cơ hội đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, bạn sẽ học hỏi được về văn hóa từ các nước trên Thế Giới sâu sắc hơn.
- Vốn xã hội (social capital) – mối quan hệ: cha mẹ có mối quan hệ tốt, bạn sẽ quen biết được nhiều người thông thái hơn, bạn sẽ có cơ hội học hỏi từ họ nhiều hơn.
- Vốn con người (human capital): bố bạn là giáo viên Toán, bạn sẽ có điều kiện học môn Toán nhiều hơn các bạn khác. Tương tự như vậy, nếu bố mẹ của các bạn là người có chức quyền… bạn sẽ có lợi thế nhiều hơn trong sự nghiệp sau này.
Mình thấy vốn sẵn có của mình thật ít ỏi.
Vào ngày mùng 1 Tết Âm Lịch vừa rồi, mình có tâm sự với người yêu của mình về việc này. Mình bảo rằng: con cái của gia đình có điều kiện thì được học để làm lãnh đạo, con cái của người nghèo thì học làm lính, làm quân. Vì con cái ở gia đình có điều kiện được tham gia hoạt động ngoại khóa, chú trọng phát triển về các kỹ năng: lãnh đạo, thuyết trình, tư duy phản biện, …. Còn con cái ở gia đình kinh tế kém hơn thì sẽ chăm học kiến thức trên sách vở.
Người yêu của mình bảo rằng ghen tỵ là một cảm xúc và nó là bình thường, nếu mình không sinh ra trong môi trường được như vậy, thì mình có thể làm first generation – thế hệ đầu tiên của gia đình làm điều đó, để sau này thế hệ tiếp theo nhà mình sẽ có môi trường tốt hơn. Lợi động viên này truyền động lực cho mình rất nhiều để tiếp tục phấn đấu và tiến lên phía trước.
Lợi ích của việc sinh ra không ở vạch đích là tinh thần bền bỉ, vấp ngã rồi đứng dậy được, một niềm tin mãnh liệt & dám hành động để tương lai của mình tốt lên. Và hiện thực cũng dần đang chứng minh điều đó. Khi lên Đại học mình mới bắt đầu học kỹ năng Nghe và Viết Tiếng Anh, lê lết từ trình độ A0 (để so sánh dễ thì các bạn học sinh cấp 3 bây giờ trung bình đã khoảng A2-B1 rồi), mình không nghĩ rằng đến một ngày mình có thể dùng thứ ngôn ngữ này để thuyết phục Đại Sứ Quán Mỹ rằng em xứng đáng được đi trao đổi tại Hoa Kỳ.
Vậy nên, mong rằng sự tự do bạn có được khi rời vòng tay của bố mẹ sẽ giúp bạn có những lựa chọn đúng để có tương lai tốt đẹp hơn phía trước nhé.
1.2. Sống có trách nhiệm với sức khoẻ của bản thân.
Chị Hoàng Ngọc Bích, mentor (cố vấn) của mình trong dự án FemaLEAD – từng chia sẻ rằng: thay vì nghĩ rằng ngày mai mình ngày mai bạn sẽ chết thì hãy nghĩ bạn sẽ sống rất lâu. Vì suy nghĩ ngày mai bạn sẽ chết, có thể bạn sẽ không dành thời gian đi làm/cố gắng gây dựng sự nghiệp/duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người thân. Thay vào đó có thể là hưởng thụ cuộc sống với những trò tiêu khiển, thú vui nhất thời, one-night-stand thay vì strong relationship.
Việc suy nghĩ bạn sống rất lâu sẽ hướng bạn lựa chọn ăn uống thế nào để có sức khỏe tốt, duy trì lối sống lành mạnh hay không. Mình cũng thấy quý trọng sức khỏe của bản thân hơn khi nhìn thấy bố và họ hàng dành nhiều thời gian chăm sóc cho bà nội khi bà ốm. Mình không thể tưởng tượng được đến một ngày mình mất sức lao động, ốm yếu và khiến người khác phải hi sinh cuộc sống của họ chăm sóc mình một thời gian dài. Vì vậy, mình cố gắng sống lành mạnh nhất có thể: hoạt động thể chất, không ngủ quá khuya, không sa vào các chất kích thích …
Ngoài ra, việc suy nghĩ bạn sống rất lâu cũng khiến bạn suy nghĩ về việc bạn sẽ đóng góp gì cho đất nước, xã hội sau khi về hưu. Vì nếu như bạn sống đến 90 tuổi, mà bạn nghỉ hưu khi ngoài 60 thì 30 năm còn lại bạn làm gì, đúng không?
Tự do hơn, được làm chủ cuộc đời mình, mong bạn sẽ lựa chọn lối sống phù hợp để có sức khỏe tốt nhé.
1.3. Lựa chọn cộng đồng mình muốn sống.
Lớn hơn, mình thấy nhiều mặt tối của cuộc sống hơn, rằng cuộc sống chưa hẳn đã công bằng như những gì mà người làm hoạt động xã hội như mình muốn hướng đến. Tuy nhiên, điều mình thấy công bằng đó là thời gian. Mọi người đều chỉ có 24 giờ 1 ngày, đều bị giới hạn bởi nó. Vì vậy, việc bạn làm gì, bạn chơi/tiếp xúc với ai là điều rất quan trọng.
“You’re the average of the five people spend the most time with.”
– Jim John
(Tạm dịch: Bạn là trung bình cộng của 5 người gần gũi với bạn nhất).
Đi làm được một thời gian với các anh chị đều lớn tuổi hơn mình, mình nhận thấy rằng mình đang thiếu bạn cùng trang lứa với cùng chí hướng “vượt khổ, vượt sướng, vượt lười, vượt nghèo”. Vì vậy, Dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi, mình chia sẻ thẳng với một người bạn là mình muốn cho họ vào vòng tròn 5 người đó (tất nhiên là mình và người bạn đó cũng đã thân từ trước rồi). “Chọn bạn mà chơi” chứ, đúng không?
Vì thời gian là có hạn, và mình chỉ muốn dành cho người xứng đáng, cộng đồng với giá trị tích cực, mình bỏ theo dõi rất nhiều người bạn trên Facebook. Nếu chúng mình không ưu nhau, thay vì nói xấu sau lưng/tò mò về chuyện hay đời sống cá nhân của nhau, mình chọn cách để họ ra khỏi tâm trí mình.
2. Khao khát được yêu thương
Nếu như khao khát sự tự do được mình hiểu khá dễ dàng (và mình nghĩ là ai cũng hiểu dễ vì chúng mình nhìn thấy nó gần như hằng ngày trong các loại giấy tờ, lời Bác Hồ dặn “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”. Tuy nhiên, khi thầy Minh Niệm nói là con người khao khát được yêu thương, mình không hiểu tại sao.
Mình đã từng nói với mọi người rằng mình sẽ không lấy chồng chỉ vì mình đến một độ tuổi nhất định mà xã hội cho rằng mình nên làm việc đó. Mình cũng hay nói đùa với mọi người rằng lấy chồng là việc quá là dễ luôn, lấy ai mới là khó.
Có lần mình đăng tin trên Facebook ảnh bản thân, mình nhận được lời thúc giục lấy chồng rằng lấy đi để họ được ăn cỗ. Mình phát ngán luôn. Sau khi nguôi nguôi cơn bực mình, mình hiểu rằng đối với văn hóa Việt Nam, đó là một cách mọi người quan tâm mình. Nhưng mình cũng khó hiểu về cách mọi người thể hiện sự quan tâm đó, tại sao không phải là muốn mình lấy chồng vì mong muốn mình được hạnh phúc và có người bên cạnh, mà là lấy chồng để họ được ăn cỗ? Quá là mâu thuẫn, khó hiểu.
Mình cũng từng nói với mọi người xung quanh rằng hạnh phúc của mình không phụ thuộc vào việc có 1 người bên cạnh, hạnh phúc, đôi khi chỉ là một quyết định … không buồn nữa, không đóng vai nạn nhân nữa mà thôi.
Có lẽ cũng vì thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ đó của mình với những người đủ cởi mở, khi biết tin mình có người yêu, câu đầu tiên mọi người nói với mình là “chúc mừng em/chị”. Và mình những lời chúc này mình không đếm được trong lòng bàn tay nữa luôn. Quá nhiều :v.
Mình bắt đầu hiểu được tại sao con người lại mong muốn được yêu thương từ một podcast The Money Date về Quản lý tài chính ( 🙂 ) . Trong đó, chị Ngọc Trinh (người dẫn chương trình trên VTV) đã từng nói rằng khi mua một món đồ, không phải bạn rất cần nó, mà bạn muốn mua một cảm giác.
Ngoài ý nghĩa về chủ nghĩa tiêu thụ – khi con người mua nhiều hơn thứ mà họ cần, mình hiểu thêm về việc con người mong cầu được yêu thương như thế nào.
Mình trường hợp dễ hiểu nhất, đó là những sugar daddy, họ có thể sử dụng nhiều tiền để chăm nom cho sugar baby. Có thể sugar daddy đó không phải u mê, đắm đuối sugar baby đó. Thứ người ta cần là mua/sử dụng tiền để có được một cảm giác, cảm giác được yêu thương.
Mình đã từng được nhắn tin thẳng thắn là nếu mình là người yêu của một anh này, anh ấy sẽ cho mình số tiền tiêu mỗi tháng gấp vài lần số lương của mình hiện tại. Điều đầu tiên mình làm là dừng ngay cuộc trò chuyện ở đó, mình không nghĩ mình là người tốt hay gì, mà là mình giảm thiểu tốt ưu những mối quan hệ không chất lượng xung quanh. Mình cũng biết ơn vì bố mẹ, anh chị, và cháu mình sống khỏe mạnh mỗi ngày để mình tập trung cho sự nghiệp chứ không phải lựa chọn dễ dàng đó. Bạn biết đó, nếu kiếm tiền từ những thứ khác ngoài tri thức, thì tương lai mình thật là thiếu bền vững bao nhiêu.
Mình đã từng nghe quan điểm rằng các bạn nữ mới lên Đại học sẽ lựa chọn làm sugar baby để có kinh tế, sau đó thì tích tiền khởi nghiệp, … Nhưng bạn biết gì không, quá khứ của bạn không thể tẩy trắng (ít nhất là sâu thẳm trong tim bạn vẫn biết mình đã làm gì) và trong tương lai, mình nghĩ rất khó để bạn tìm được người đồng hành nếu bạn vẫn còn góc khuất trước đây mà bạn không thể chia sẻ với người yêu của mình.
3. Khao khát được tự do VÀ được yêu thương
Vậy làm thế nào để đạt được hai khao khát này, vừa có được sự tự do, vừa được yêu thương? Liệu có phải việc có người để yêu thương, ở trong một mối quan hệ sẽ khiến ta mất tự do không? Nếu không, tại sao mọi người lại vẫn muốn được yêu thương? Việc hi sinh sự tự do để có người yêu thương liệu có đáng?
Theo trải nghiệm hiện tại của mình, mình vẫn có thể có được sự tự do và được yêu thương nếu mình làm đúng cách. Đó là việc có 1 người yêu, cam kết với 1 người ở 1 thời điểm mà thôi.
Nếu bạn từng nghe đến nghịch lý của việc có nhiều lựa chọn (Paradox of choice), việc bạn có càng nhiều lựa chọn, bạn càng khó để lựa chọn. Trong trường hợp này, bạn quan tâm đến nhiều người 1 lúc sẽ khiến bạn khó lựa chọn ai là người phù hợp hơn. Tệ hơn, nếu như bạn “bắt cá nhiều tay”, có nhiều hơn 1 người yêu 1 lúc, sẽ khiến bạn bận tâm nhiều: che đậy, giấu diếm, và phải nhớ chuyện này đã kể với người này chưa, thời gian này dành cho người này, người kia…
Vậy, việc có 1 người người yêu, bạn tự do hơn rất nhiều. Mình không nghĩ bạn sẽ tự do được 100% như sống độc thân, nhưng bạn sẽ tự do về tâm trí rất nhiều. Và tất nhiên, bạn vẫn được yêu thương, đúng không nào?
“Life can be heavy, especially if you try to carry it all at once. Part of growing up and moving into new chapters of your life is about catch and release; you can’t carry all things, decide what is yours to hold and let the rest go. Oftentimes, the good things in your life are lighter anyway, so there’s more room for them.”
– Taylor Swift
(Tạm dịch: Cuộc sống sẽ rất nặng nề nếu bạn cố gắng ôm đồm tất cả cùng một lúc. Một trong những điều bạn cần học trong quá trình trưởng thành chính là biết nắm giữ và buông bỏ đúng lúc. Bạn không thể lúc nào cũng mang trong lòng tất cả mọi thứ, Vì thế, hãy sáng suốt nhìn nhận xem thứ gì mới là quan trọng trong đời và học cách buông bỏ những điều không đáng.)
Ngoài ra, mình cũng suy nghĩ về mối quan hệ giữa chúng theo trục x0y.
Vùng A: Tự do nhưng không được yêu thương. Ví dụ tiêu biểu là khi bạn độc thân + không sống cùng bố mẹ (sống một mình). Bạn có thể tự do hoàn toàn, nhưng chưa có tình cảm đôi lứa
Vùng B: Tự do và được yêu thương. Ví dụ tiêu biểu là khi bạn có mối quan hệ với 1 người yêu duy nhất trong 1 thời điểm. Bạn vẫn có thể làm những thứ mình thích và được yêu thương.
Vùng C: Không được tự do, nhưng được yêu thương. Ví dụ tiêu biểu là khi bạn có nhiều mối quan hệ cùng một lúc. Không những bận về thời gian (phân bổ 1 tuần cho nhiều người) mà còn mất tự do trong tâm trí nhiều.
Vùng D: Không được tự do và không được yêu thương. Ví dụ tiêu biểu là khi bạn sống cùng bố mẹ và không có tình yêu.
Vậy nên, theo quan điểm của mình, chạy qua lại qua vùng A, B thì sẽ là lựa chọn tốt hơn, ít nhất bạn được tự do (vì tìm được 1 người để yêu thương quá là khó – việc bạn không kiểm soát được).
Tái bút
Hai hình vẽ trên xuất phát từ suy nghĩ của bản thân mình ở thời điểm hiện tại, và nó cũng có thể thay đổi trong tương lai. Cũng có thể nó sẽ không thay đổi trong tương lai, nhưng mình sẽ có suy nghĩ sâu sắc hơn để giải thích về nó kỹ hơn.
Chúc bạn vừa có được sự tự do, vừa được yêu thương nhé.
iu bạn 3000 <3