Tục ngữ có câu: “Gừng càng già càng cay” để chỉ việc khi một người càng lớn tuổi, họ càng thông thái. Nhưng có phải tất cả mọi người đều như vậy không? Tại sao số tuổi không song hành với mức độ trưởng thành về nhận thức ở một số người?
Liệu tất cả sai lầm đều là bài học?
“There are no mistakes or failures, just lessons.” – Denis Waitley.
(Tạm dịch: “Không có gì được gọi là sai lầm hay thất bại, mà chỉ có bài học mà thôi.”)
Cũng giống như câu nói trên, trước khi tham gia YSEALI (chương trình trao đổi tới Mỹ trong 5 tuần được tài trợ toàn phần bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ) nếu ai đó hỏi mình rằng thất bại lớn nhất trong cuộc đời mình là gì, mình sẽ bảo rằng: “mình nghĩ tất cả mọi thứ xảy đến, dù tốt, dù xấu, đều là bài học. Thay vì nói về sai lầm lớn nhất, mình sẽ chia sẻ về bài học lớn nhất của mình”.
Tuy nhiên, sau khi trở về Việt Nam, mình nhìn thẳng vào thực tế thì mình cũng có những sai lầm. Mình tự hỏi rằng có phải tất cả sai lầm đều là bài học hay không? Nếu không, nhân tố nào có thể biến sai lầm trở thành bài học?
Đi dạy gia sư khiến cho mình nhận ra nhiều bài học cuộc sống. Trong lần đầu tiên đi dạy kèm, học sinh của mình ngày càng có xu hướng không làm tập về nhà mình giao, vậy nên thường lặp lại những sai lầm cũ. Mình nghĩ rằng: “lúc trước gia đình mình không có điều kiện để học gia sư, kèm 1:1 thế này. Vậy mà bây giờ học sinh còn được bố mẹ bỏ tiền ra thuê mình dạy kèm 1:1 mà bài tập còn không làm. Tại sao lại như vậy? Liệu có thực sự là do học sinh lười học hay không? Làm thế nào để cho học sinh không lặp lại những sai lầm cũ nữa”. Mình quyết định hỏi học sinh trước khi báo cáo tình hình học tập với phụ huynh.
Câu trả lời của em khiến mình bất ngờ. Thực ra, học sinh vừa được bố mẹ cho đi học thêm 1 trung tâm nữa sau giờ học trên lớp. Vậy là học sinh của mình đi học từ 7h sáng đến 5h chiều ở trường học, sau đó còn học thêm ca tối tất cả các ngày trong tuần. Kết quả là, em không còn thời gian để ngồi làm bài mình giao cho vì việc học cứ thế mà liên tiếp diễn ra.
Sau khi nghe em chia sẻ, mình nhớ đến thời gian trước, mình cũng đi học thêm, nhưng không phải tất cả buổi tối. Vì vậy, mình vẫn có thời gian xem lại bài vở, xem lại những câu trả lời sai của mình trước đây để lần sau giảm thiểu việc mắc cùng 1 lỗi sai nhiều lần.
Từ đó, mình cũng trả lời cho câu hỏi tự đặt ra cho bản thân. Không phải tất cả sai lầm đều là bài học. Sai lầm chỉ biến thành bài học khi có một nhân tố nữa, đó là suy ngẫm: Sai lầm + suy ngẫm = bài học. Nếu không có suy ngẫm, chưa chắc mình học được bài học nào từ sai lầm đó. Đó là lý do và là điều lý giải tại sao người nhiều tuổi, dù nhiều trải nghiệm hơn, nhưng chưa chắc đã thông thái hơn. Vì họ thiếu đi sự suy ngẫm, chiêm nghiệm về những sai lầm mà bản thân đã trải qua.
Chúng mình không gặp những thử thách vô nghĩa
Như trong bài viết “Trở lại Việt Nam sau chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI)“, mình gặp nhiều khó khăn khi trở về nước. Mình đối mặt với sự thay đổi từ bên ngoài lẫn bên trong, mình tự tạo áp lực cho bản thân và mình cũng bị người khác hạ thấp giá trị của mình. (Nhân tiện đây, rất cảm ơn bạn trai mình vì đã dành một sự tôn trọng cho mình trong thời gian đó, dù mình cũng bắt đầu nghi ngờ năng lực của bản thân). Người yêu mình bảo rằng đây là khoảng thời gian đang test (kiểm tra) bản thân mình, xem mình có vượt qua nó không.
Kết quả là bây giờ mình đã đi làm với một công việc mình nghĩ có tương lai, có lộ trình thăng tiến rõ ràng, mình biết bước tiếp theo của mình là gì và hình dung ra con người mà mình muốn trở thành trong tương lai. Khoảng thời gian vừa rồi cũng khiến mình nhận ra nhiều thứ.
Đầu tiên, vũ trụ sẽ không gửi thử thách vượt quá khả năng của mình. Nhưng nó sẽ khó khăn hơn với năng lực hiện tại của mình một chút, vì điều đó là cần thiết để mình tiến bộ. Nhưng mình sẽ vượt qua thôi.
Thứ hai, đôi khi thử thách là “blessing in disguise” – phước lành, là cơ hội để mình làm điều gì đó hữu ích. Trong thời gian đi tìm việc làm, mình có thời gian để học một khóa học online mà bản thân đã bỏ tiền ra mua từ 2 năm trước & hoàn thành nó. Mình nhận ra sự hữu ích của khóa học đó đối với mình như thế nào và tự hỏi tại sao không hoàn thành nó sớm hơn. Vậy đó, vũ trụ sẽ có kế hoạch riêng của mình, sẽ vượt qua sự tưởng tượng của mình một cách tích cực hơn.
Thứ ba, hạ bệ người khác không khiến chúng mình đứng cao hơn. Thay vào đó, dành sự tôn trọng cho mọi người và nâng cao giá trị bản thân. Vì mình đứng cao sẽ có người khác cao hơn.
Cuối cùng, sau khoảng thời gian đó, mình biết được người bạn nào nên tiếp tục kết thân, người nào không. Người nào sẵn sàng giơ tay ra giúp đỡ mình, hỗ trợ mình về tinh thần. Nếu những người bạn đó gặp khó khăn, mình sẽ giúp đỡ lại trong khả năng của mình.
Sai lầm lớn sẽ ẩn chứa bài học lớn
Mình từng xem phim Shawshank Redemption, câu chuyện về mảnh đời của các tù nhân trong nhà tù mang tên Shawshank. Trong đó có nhân vật Brooks Hatlen, người đã dành 50 năm trong nhà giam. Ông phụ trách việc quản lý thư viện trong ngôi tù đó. Khi gần mãn hạn tù, ông định sát hại một người trong nhóm bạn thân của mình để tiếp tục được ở trong đó.
Khi xem đến cảnh đó, mình không hiểu tại sao ông ấy lại làm như vậy. Người yêu mình giải thích rằng, khi ở trong tù, ông đóng vai trò rất quan trọng, nhưng khi ra ngoài, ông không là ai cả. Cuối cùng, khi được trở về với cuộc sống thực ở tuổi 73, ông đã tự tử vì không thể hòa nhập với môi trường mới.
Mình cũng từng xem phim Game of Thrones (Trò chơi Vương quyền). Arya Stark, là con gái thứ hai của Lãnh chúa Eddard Stark với Phu nhân Catelyn Tully, được mọi người biết đến. Nhưng khi bố cô chết, cô từ con của một lãnh chúa, trải nghiệm cuộc sống và học cách để trở thành “không một ai”. Cuối cùng, cô đã giết được Walder Frey, kẻ đã giết chết anh trai, mẹ và chị dâu. Cô cũng giết cả Night King cứu được toàn bộ Seven Kingdoms (7 Vương Quốc).
Hai bộ phim trên khiến mình suy nghĩ về quyết định chuyển việc của mình. Tại công ty cũ, mình được các sếp tin tưởng và giao cho các công việc quan trọng. Nhưng khi ra chỗ làm mới, mình sẽ không còn là ai nữa cả. Mình tự đặt câu hỏi cho bản thân là “mình muốn là con cá lớn trong một cái ao hay một con cá nhỏ ở biển lớn. Việc trở thành “không một ai” và bắt đầu lại của mình sẽ khiến mình có kết cục như Brooks, hay là Arya?”
Mình cần rất cẩn trọng với quyết định này. Tương lai của mình sẽ đánh giá những quyết định của mình ở hiện tại. Mình có thể quyết định đúng và khiến bản thân mình trong tương lai rất biết ơn mình của hiện tại. Có thể quyết định đó là sai và mình của tương lai sẽ trách móc mình của hiện tại nhiều.. Nhưng mình sẽ học được bài học thôi, sai lầm lớn sẽ chứa đựng những bài học lớn, mình tin là thế.
Hơn nữa, có những bài học thậm chí mình còn không muốn học (cách vượt qua nỗi đau mất người thân, nhìn nhận các góc tối của cuộc sống khi trưởng thành, … ) nhưng mình vẫn phải trải qua khi lớn lên trong một ngày nào đó.
Tái bút
Mình chúc bạn có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Nếu đó là sai lầm, đừng quên dành thời gian cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng để suy ngẫm và chiêm nghiệm xem mình học được gì từ nó nhé.
Đây là những suy nghĩ của mình về những bài học của cuộc đời phần 1, cùng đón xem phần 2 cùng mình nhé.
A Mindful Observer.