Vào tháng 12 năm 2019, khi còn là sinh viên, mình từng là 1 trong 25 bạn ứng viên tại Hà Nội tham gia chương trình Future Leaders Camp do Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tổ chức. Mình còn nhớ mãi một kỷ niệm khi được hỏi rằng 1 nét tính cách/khả năng bạn muốn giữ lại nhất khi tất cả mọi thứ đều mất đi là gì?
Khác với những bạn khác, điều mình muốn giữ lại là khả năng thấu cảm, nhìn thấy những người đang cần được hỗ trợ, … Mình cũng thấy hơi ái ngại vì chương trình về lãnh đạo mà mình muốn giữ lại thứ chả mang tính “lãnh đạo” tẹo nào.
Khi xem được một video về cô gái khiếm thính bị lợi dụng bởi người xấu. Cô kêu cứu bằng ngôn ngữ ký hiệu mà mọi người không hiểu gì. Mình đã tự hỏi: có cách nào khác để ngôn ngữ này được nhiều người biết đến hơn không? Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa người bình thường và người khiếm thính? Mình có thể làm được gì?
Mình quyết định đi học ngữ ký hiệu và đi tình nguyện dạy Tiếng Anh cho trẻ khiếm thính vào chủ nhật hàng tuần. Dù đi lại vất vả, nhưng đó là một trong những khoảng thời gian hạnh phúc nhất của mình. Mình chứng kiến nhiều bố mẹ hết lòng vì con, dành thời gian, công sức học thêm ngôn ngữ ký hiệu, đưa con đi tham gia nhiều hoạt động để con mở mang kiến thức. … Mình cũng thấy những người tốt trên thế giới này, sẵn sàng bỏ tiền, công sức ra để học một thứ ngôn ngữ chưa chắc đã tốt cho công việc của họ. Mình cũng có mối tình đẹp với một anh chàng khiếm thính. Lúc đó mình còn thấy mình giỏi ngôn ngữ ký hiệu hơn cả Tiếng Anh.
Khả năng này giúp mình nhiều khi mình làm giáo viên thực tập. Khi quan sát một lớp học, mình dễ dàng nhận thấy học sinh nào cần sự quan tâm của mình hơn một chút. Từ đó, hỗ trợ các em nhiều hơn.
Khả năng này cũng giúp mình nhiều khi tổ chức các sự kiện. Nếu mình nhìn thấy ai tham gia sự kiện một mình, mình sẽ ra bắt chuyện với họ.
Tuy nhiên, khi tiến vào thị trường lao động, với tư duy “nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba trí tuệ” dường như mọi người thích kết nối với nhiều người hơn là một số người nhưng sâu sắc. Tuy nhiên, là một người trọng mối quan hệ sâu, mình bỏ về trước khi sự kiện networking bắt đầu như trong bài viết “Qua năm 2023, mình đã trưởng thành hơn như thế nào” mình chia sẻ. Vừa đi xe máy về nhà vừa khóc vì thấy bản thân kém cỏi, chỉ có nói chuyện với người khác thôi mà cũng không làm được.
Là một “con dân” sư phạm, mình được nhắc nhở về việc “uốn lưỡi 10 lần trước khi nói”, và đi làm đào tạo với các học viên là quản lý C-level, mình cũng nhắc nhở bản thân “trước khi nói, hãy tự hỏi lý do tại sao họ phải nghe mình nói”. Nó ám ảnh mình đến mức, khi mọi người đang bàn về thần tượng của mình – thông tin mình nắm rõ mồn một – mà thông tin người đối phương chia sẻ chưa chính xác, mình vẫn không nói gì. “I’m quiet because my mind is noisy enough.”
Gần đây, mình tham gia lại sự kiện networking. Mình phải tự đẩy bản thân ra khỏi vùng an toàn, vì mình nghĩ rằng mình lớn lên khi ra khỏi nó. Thật may mắn, cuối cùng, mình cũng đã tìm được cách networking phù hợp với bản thân. Thay vì tham gia những buổi tiệc nước, mình hợp với đi ăn hơn. Có thể mình không đi được hết bàn này đến bàn kia và quen biết nhiều người, nhưng mình sẽ biết được những người cùng bàn một cách sâu hơn.
Networking có gây khó khăn với người hướng nội không ư? Có, mình sợ chứ. Nhưng sợ thì ai cũng sợ, nên cứ vừa sợ vừa làm thui.
Chúc các bạn “hướng nội” sẽ tìm được cách networking phù hợp với mình nhé.
iu bạn 3000 <3.