Thời gian trôi qua thật nhanh. Nếu như 6 tháng trước, mình vẫn còn là cô sinh viên mới ra trường thì hiện tại mình đã chính thức gia nhập “lực lượng lao động”.
Thời sinh viên, mình tự nhận bản thân là một chú “ngựa chiến” (bạn có thể hiểu được phần nào đó thông qua bài viết “Lặng ngắm một thanh xuân quay cuồng” của mình trước đây). Với trải nghiệm của việc “đa nhiệm” từ sớm, mình cũng đạt được một số thành tích và giải thưởng nho nhỏ. Đối với mình, việc đó là minh chứng rõ ràng nhất để thấy mình đang tiến bộ, do đó, tạo được sự tự tin cho mình.
Tuy nhiên, khi đi làm mọi chuyện thật khác. Giống như cô Sheryl Sandberg – Giám đốc vận hành của Facebook, mình cũng mắc hội chứng Imposter syndrome (Hội chứng kẻ mạo danh). Thuật ngữ này được định nghĩa trên trang Relationships Australia như sau:
“Đó là một thuật ngữ tâm lý đề cập đến một mô hình hành vi mà mọi người phải chịu đựng sự nghi ngờ bản thân. Họ nghi ngờ những thành tích của mình và luôn có một nỗi sợ hãi dai dẳng trong lòng về việc bị vạch trần là một kẻ lừa đảo. […] mặc dù có đầy đủ bằng chứng bên ngoài về thành tích, nhưng những người mắc hội chứng kẻ mạo danh vẫn tin rằng họ không xứng đáng với thành công mà họ đã đạt được.”
– Bài viết trên Relationships Australia
Khi đi làm, dường như, các thành tích và giải thưởng không còn là điều có thể khiến mình bám víu vào để thấy mình tiến bộ. Sự tự tin của mình mất dần. Mình thấy lạc lối, tự hỏi rằng liệu mình có đang đi lên hay không?
Tuy nhiên, vẫn còn có những người phụ nữ tốt ngoài kia, họ sẽ ngồi đó nghe mình tâm sự và nhắc nhở mình đừng quá hà khắc với bản thân, và bản thân mình vẫn đang làm tốt.
Khi tham gia các sự kiện với những người tham gia rất xịn, mình lại tự nhủ mình đang làm gì ở đây. Mình không “xứng tầm” để nói chuyện với họ, rồi sau đó thu mình vào một góc. Mình kể với cô bạn Như Quỳnh của mình, trong dịp về Hà Nội chơi, rằng mình đã bỏ về trước khi sự kiện bắt đầu vì mọi người quá giỏi. Quỳnh bảo rằng, mọi người giỏi, nhưng mình cũng có cơ hội được tham gia sự kiện cùng họ, thì mình cũng phải có cái gì đó rồi chứ.
Mình nhận được những lời khen từ cập trên về hiệu quả công việc, nhưng mình luôn nghĩ là mình làm không được tốt lắm, tại sao lại khen mình như vậy? Khi mình kể với cấp trên về việc mình mất tự tin, mình lo lắng, mình thấy mình làm không tốt, sếp mình bảo “nếu bây giờ chị nói em làm tốt em có bớt lo lắng không? Chị thấy em đang làm tốt, mà nếu nói vậy mà em vẫn lo lắng thì đó là việc của em”.
Trong cuốn sách Option B của cô Sheryl Sandberg, nếu như việc viết nhật ký biết ơn (biết ơn những điều ta nhận được từ cuộc sống) khiến chúng ta cảm thấy tất cả những gì mình có được ngày hôm nay là do may mắn, thì việc viết nhật ký thành công giúp chúng ta nhìn nhận và trân trọng những điều mình làm dù là nhỏ nhất để đưa mình đến đích.
Hiện tại, mình thấy bản thân đang ở trong những nốt trầm, khi tự tiến bộ không đong đếm quá rõ ràng. Mọi người thường nói câu “enjoy cái moment này” theo nghĩa tận hưởng niềm vui, khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc sống, nhưng Rapper Tez đưa lại cho mình góc nhìn khác. Anh chia sẻ rằng ngay cả khi ta ở dưới đáy, ta vẫn enjoy. Không phải là tận hưởng việc ở điểm thấp nhất của sự nghiệp/cuộc sống, mà giữ tâm an yên, với một niềm tin mãnh liệt rằng mọi thứ rồi cũng qua đi.
Nếu thời sinh viên mình nhận là “ngựa chiến”, thì bây giờ mình thấy “ngựa non háu đá”. Hiện giờ, mình muốn làm một chú ngựa ô, “đường dài mới ngựa hay”, mình sẽ tiếp bước bằng tinh thần bền bỉ và một niềm tin tất cả mọi thứ đều sẽ qua.
Mong bạn cũng sẽ bao dung hơn với những nốt trầm trong cuộc sống của mình.
iu bạn 3000 <3