Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (Young Southeast Asian Leaders Initiative – YSEALI) là chương trình trao đổi 5 tuần tới Mỹ được đài thọ toàn phần bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của thanh niên trong khu vực, tăng cường mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á, và nuôi dưỡng một cộng đồng các nhà lãnh đạo làm việc xuyên biên giới để giải quyết các vấn đề chung.
Các bài viết trước, mình có chia sẻ về Hành trình tham gia chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) – Phần 1, Phần 2, Phần 3. Còn bài viết này, mình sẽ chia sẻ về trải nghiệm cảm giác trở về Việt Nam của mình. Liệu về nước mọi thứ có dễ dàng hơn với mình không?
1. Đối diện với thay đổi từ bên ngoài lẫn bên trong
Trong chủ đề “Change how you manage change” (Thích nghi với sự biến động) của công ty phát triển kỹ năng lãnh đạo cho quản lý C-level Crestcom Việt Nam, có 2 loại thay đổi, thay đổi từ bên ngoài và bên trong. Khác với thay đổi bên ngoài, có thể dễ dàng nhận thấy, thì thay đổi bên trong là những thay đổi diễn ra trong tâm lý mỗi người khi đối diện với sự thay đổi đó. Khi về nước, mình đối diện với sự thay đổi cả bên ngoài lẫn bên trong.
1.1. Thay đổi từ bên ngoài
1.1.1. Thay đổi về khí hậu
Mình đến Mỹ vào kỳ học mùa Xuân. Dù tùy thuộc vào từng bang thì nhiệt độ có thay đổi đôi chút, nhưng nhìn chung, thời tiết rất dễ chịu. Mấy hôm đầu khi sang Mỹ là mấy hôm lạnh nhất, mình còn phải mua áo lông để mặc tránh rét.
Khi trở về Hà Nội, mình thấy rất nóng. Nhiệt độ cao cũng khiến tâm trạng mình bí bách, dễ nổi nóng hơn nhiều. Mình sốt và ốm hết tuần đầu về lại Việt Nam.
1.1.2. Thay đổi về múi giờ
Giờ Việt Nam và giờ Mỹ chênh nhau 12 tiếng. Khi về lại Việt Nam, mình bị jetlag do chưa quen múi giờ. Vì vậy mỗi khi khoảng 5 giờ chiều Việt Nam, khi mọi người vẫn còn tỉnh táo, thì mình bắt đầu buồn ngủ do đó là 5 giờ sáng Mỹ. Nhưng may mắn thay, việc đó kéo dài khoảng 3-4 ngày thôi.
1.1.3. Thay đổi nơi sinh sống
Khi trở lại Việt Nam, vì một số việc cá nhân, mình đổi phòng trọ. Chuyển nhà trong thời tiết đó, và trong thời gian ngắn khiến mình đau đầu khủng khiếp (dù đã đi mua thuốc hạ sốt, đau họng, đau đầu) nhưng không khỏi. Nhưng cũng thật may mắn, tình trạng đó chỉ kéo dài trong một tuần.
1.1.4. Thay đổi hoạt động hằng ngày
Khi ở Mỹ, hoạt động thường ngày của bọn mình là lên lớp, thăm quan, hoạt động xã hội, …. Đặc biệt, tham gia YSEALI, hơn cả học bổng trao đổi toàn phần, bọn mình còn được cấp chi phí bằng tiền mặt để sinh hoạt (nên bạn sẽ hoàn toàn không cần phải lo lắng gì đến chuyện tiền nong). Ngoài ra, các điều phối chương trình rất quan tâm đến bọn mình, thậm chí khi mưa, bọn mình còn được chở bằng xe khách từ khách sạn đến trường. Nói chung là chương trình lo từ A-Z, không cần phải lo lắng gì.
Người ta thường nói về “American Dream” – Giấc mơ Mỹ. Đúng vậy, đến được Mỹ giống như một giấc mơ đối với mình, nhưng vấn đề đối với giấc mơ đó là .. bạn sẽ phải tỉnh giấc sau đó. Khi về Việt Nam, mình trở lại với cuộc sống thực của một người chưa đạt đến tự do tài chính: chuyện cơm áo gạo tiền. Mình chuyển từ việc học tập, thu nhận kiến thức sang tìm việc làm với nỗi lo thất nghiệp. Mình cũng được trải nghiệm phần nào cảm giác về lại nước của du học sinh. Dù biết mình đã có thêm vài thứ viết vào CV (Hồ sơ ứng tuyển), nhiều trải nghiệm hơn, nói cách khác là tốt lên nhưng cũng chông chênh đôi chút.
Khi tham gia chương trình, bọn mình được làm khảo sát tính cách của Gallup. Một trong năm thế mạnh của mình là Futuristic (Người sống cho tương lai). Điểm tốt của việc này là khi lãnh đạo nhóm, nó giúp mình có tầm nhìn xa và truyền đạt tầm nhìn đó tới tổ chức. Tuy nhiên, đối với đời sống cá nhân, mình sẽ lo lắng mọi thứ rất nhiều. Mình cảm giác như đến tuần thứ 4/5 tuần đi Mỹ, mình đã về lại Việt Nam từ tuần thứ 4 rồi.
Trước khi quyết định niềng răng, mình cũng suy nghĩ nhiều, có ảnh hưởng đến việc phát âm của mình không, có ảnh hưởng đến việc mình nói chuyện với khách hàng không. Cuối cùng nó không ảnh hưởng quá nhiều đến mình, mình vẫn phỏng vấn YSEALI và được nhận, mình vẫn có người yêu, … Nỗi sợ, nỗi lo lắng nó ở trong đầu, và nó to đùng, đôi khi điều duy nhất mình nên làm là “don’t think much, just do it, girl” (Bớt suy nghĩ đi một chút, cứ bắt đầu làm thôi nào, cô gái).
Đôi khi những câu nói vu vơ của những người xung quanh, lại vô tình khiến mình tổn thương nhiều nhất. Khi mình được đi trao đổi, thay vì vui niềm vui chung với mình, vài người sẽ nói là “chỉ được đi 5 tuần thôi à?”. Khi mình về nước và tìm việc làm, thay vì chia sẻ với nỗi lo thất nghiệp của mình, vài người sẽ bảo là “I think you’re better than that”, “I think you don’t have to find jobs”, “I think you have a job immediately after coming back to Vietnam”. Họ không biết được là tìm kiếm công việc PHÙ HỢP không dễ, không chỉ vấn đề dễ dàng nhận thấy như lương, chế độ đãi ngộ mà còn những thứ khác như văn hóa, môi trường làm việc, lộ trình phát triển có rõ ràng, quản lý trực tiếp thế nào, …. Trước khi đi làm toàn thời gian, mình cũng đi thực tập tại 3 công ty khác, mình ngán ngẩm khi vẫn dành thời gian đi làm thực tập sinh tại doanh nghiệp khi còn là sinh viên nhưng không ghi được vào CV (Hồ sơ ứng tuyển) vì thời gian quá ngắn. Nếu ghi vào có thể là một “con dao hai lưỡi” vì Phòng Nhân sự có thể nghĩ rằng mình không cam kết lâu dài với một tổ chức.
Ngay trước khi phỏng vấn cho 1 công ty, mình bị ngã xe và bầm chân. Khi mọi người nhìn thấy, ai cũng hỏi mình có sao không. Mình rất cảm ơn mọi người, và mình nghĩ rằng vết thương bên ngoài thật dễ dàng nhìn thấy, vết thương lòng thì không. Mình ước mọi người cũng nhìn được vết thương lòng của mình, và vết thương lòng của nhau.
Mình có tâm sự với 1 chị là nếu em không được nhận vị trí Chuyên viên đào tạo tại công ty mình phỏng vấn, mình nghĩ lý do là vì việc đứng lớp chia sẻ với các nhân sự khác mình chưa làm bao giờ, nếu mình không được nhận mình sẽ rất thất vọng về bản thân. Chị bảo là nhiều khi lý do không phải từ mình, mà có thể có lý do khách quan nữa. Chị lấy ví dụ là chị làm công ty IT, nhiều nam, nên sẽ ưu tiên các bạn nữ hơn, hoặc phòng đào tạo thì có nhiều nữ rồi, nên ưu tiên nam …
Trong thời gian tìm việc, mình rất biết ơn khi bên cạnh có người yêu mình. Dù mình tự coi bản thân là đứa thất bại trong thời gian đó, nhưng anh ấy rất tôn trọng mình, giúp mình thoải mái trong tâm trí hơn rất nhiều. Mình cũng cảm ơn các mentors của mình (anh Lương Minh Hải, chị Nguyễn Hồng Khánh Linh), các thành viên trong Hanoi Speakers Toastmasters (HST), chị gái Mỹ Linh của tui, ba cô bạn thân (Trang Linh, Thanh Loan và Moch) đã lắng nghe tâm sự của mình.
1.2. Thay đổi từ bên trong
Từ khi còn nhỏ mình quan sát thấy rằng bố mình có nhiều nếp nhăn phần đuôi mắt và khoé miệng. Khi mình xem tivi, mình biết lý do có nếp nhăn vị trí đó là do cười nhiều, khi đó mình nghĩ rằng lớn lên mình cũng sẽ có nhiều nếp nhăn hai vị trí đó vì mình cô bé vui vẻ, hay cười.
Tuy nhiên, khi lớn lên, mình có nhiều trải nghiệm nhiều hơn, mình không còn cười nhiều và vui vẻ như trước kia nữa. Mình đã từng nói với Tina trong chương trình YSEALI là: cái giá của sự trưởng thành là cảm xúc của mình không cái gì là đạt đến quá mức nữa. Mình không còn quá vui, quá buồn, quá thất vọng, quá tức giận, … Mình giữ trạng thái bình thản, bình tĩnh cho tâm hồn và mình thoải mái đón nhận những điều đến với mình dù nó có thế nào đi nữa. Có một vài khoảnh khắc, chỉ một vài thôi, mình cảm giác mình chả còn cảm nhận cuộc sống quá rõ ràng nữa, giống như trong Inside Out 1 (Những mảnh ghép cảm xúc 1), Riley nhìn ra ngoài cửa sổ trên xe khách và không còn cảm thấy điều gì.
“Maybe This Is What Happens When You Grow Up. You Feel Less Joy.”
– Joy (phim Inside Out 2 – Những mảnh ghép cảm xúc 2).
(Tạm dịch: Có lẽ đây là điều không thể tránh khỏi khi chúng ta lớn lên. Chúng ta không còn cảm thấy vui vẻ như trước nữa).
Khi về nước, với nhiều thay đổi diễn ra như mình kể bên trên, lâu lắm rồi mình mới trải qua nhiều cảm xúc đạt đến quá mức như vậy. Mình rất vui, rất buồn, rất tức giận, rất lo lắng. Mình cũng nhìn nhận rằng, mỗi cảm xúc đều quan trọng và đều đáng được trân trọng.
2. Tin tưởng vào hành trình mình đang đi
Mình rất ngưỡng mộ những người nghị lực, vượt khó vượt khổ để đạt được điều mình mong muốn. Có lẽ vì lý do đó mà mình rất thích phim “The Shawshank Redemption”, trong đó có nhân vật Andy, một người nói ít, làm nhiều, có mục đích sống, bền bỉ phi thường.
“[…] hope is a good thing, maybe the best of things, and no good thing ever dies.”
– Andy Dufresne
(Tạm dịch: Hi vọng là một phước lành, có lẽ nó là điều tốt đẹp nhất, và không có điều tốt đẹp nào mà bị chôn vùi cả”.
Đôi khi hy vọng là điều duy nhất mà bạn và mình có thể làm trong những giai đoạn khó khăn. Niềm hi vọng rằng cuộc sống của chúng mình sau này chắc chắn sẽ tốt hơn, và khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời.
Nếu bạn đã có mục tiêu rồi, và đã lập kế hoạch thực hiện nó, thì hãy tin tưởng vào hành trình mình đang đi. “Good things take time” – Những điều tốt đẹp đều cần có thời gian.
Chúc bạn sẽ vẫn giữ niềm tin vào hành trình bạn đi nhé!
iu bạn 3000 <3