Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (Young Southeast Asian Leaders Initiative – YSEALI) là chương trình trao đổi 5 tuần tới Mỹ được đài thọ toàn phần bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của thanh niên trong khu vực, tăng cường mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á, và nuôi dưỡng một cộng đồng các nhà lãnh đạo làm việc xuyên biên giới để giải quyết các vấn đề chung. Bài viết là một bài chia sẻ cá nhân, nên các bạn cân nhắc áp dụng và dành cho các bạn đang trong quá trình ứng tuyển, có hiểu biết tương đối về chương trình (có thể chưa phù hợp với các bạn chỉ mới biết đến chương trình).
Lời đầu tiên, em cảm ơn chị Huyền Trang, chị Linh Ngọc, anh Tất Bách, chị Khánh Linh, chị Toàn Nguyễn đã nhận xét bài luận và phỏng vấn mô phỏng giúp em. Em cảm ơn chị Hoàng Ngọc Bích, chị Đỗ Thị Thu Huyền, anh Lê Thanh Lâm đã đưa ra các lời khuyên và viết thư giới thiệu giúp mình. Mình cảm ơn các anh chị thành viên của Hanoi Speakers Toastmasters (HST) đã hỗ trợ rất nhiều về tinh thần để khiến mình tin vào bản thân và động viên mình.
1. Chuẩn bị
1.1. Mindset đúng – Suy nghĩ đúng về chương trình
Oscar Wilde đã từng nói:
“There are only two tragedies in life: one is not getting what you want. The other is getting it”.
– Oscar Wilde
(Tạm dịch: Có 2 bi kịch trong cuộc đời: một là khi giấc mơ không thành sự thật và hai là khi ước mơ thành sự thật.)
Sau khi nhận được tin trúng tuyển YSEALI, mình đã từng tâm sự với một người bạn/người anh thân thiết đó là: “em nghĩ khi nhận được tin em sẽ vui hơn”.
Sau khi nhận được tin, cảm giác mông lung của những năm đầu đại học ùa về. Lý do bởi vì ước mơ lớn của mình – Trao đổi trước khi tốt nghiệp (Exchange before graduation) đã thành sự thật.
Là một người luôn đặt ra các mục tiêu để phấn đấu, lúc đó, mình thấy mình không còn gì để bám víu vào nữa. Mục tiêu để phấn đấu tiếp theo của mình là gì? Liệu mình chỉ có dừng lại ở đây không? Sẽ thế nào khi mình không tiến bộ lên?
Việc đó ám ảnh mình suốt 1 tuần, mình nhận ra bản thân rơi đúng vào “Bẫy hạnh phúc” tức là hạnh phúc là điểm đến. Mình chỉ hạnh phúc khi đạt được cột mốc A, cột mốc B mà thôi, nếu không, mình sẽ chỉ là người bình thường, hay một người tầm thường.
Sau khi nhận ra điều này, mình cũng nhận ra rằng: tất cả mục tiêu mình liệt kê ở trên là mục tiêu khi mình còn là sinh viên, chưa đi làm full-time (toàn thời gian). Bây giờ mình có thể tiếp tục bằng việc đặt ra các mục tiêu trong công việc, cuộc sống và mục tiêu khi trở về nước thế nào.
Vì vậy, mình học được là: đối với bất cứ cột mốc nào bạn đặt ra (ví dụ như YSEALI trong trường hợp của mình) thì hãy nghĩ đó chính là một trong những nhân tố đóng góp vào big picture (bức tranh lớn) trong cuộc đời của bạn, nó giúp bạn trở thành người bạn muốn trở thành, sống cuộc sống bạn muốn sống, vì bạn còn có cả 1 tương lai phía trước, đúng không? Nếu coi nó là đích đến, bạn sẽ vỡ vụn nếu không đến đích, hoặc là sẽ mông lung về việc làm gì tiếp đây. Vì vậy, cố hết sức, nhưng nếu không được, thì it’s not the end of the world – đó cũng không phải là tận thế đâu.
Tuy nhiên, làm gì thì cũng phải làm hết sức, hết mình, không hờ hững, “chân trong chân ngoài”. Đối với lần ứng tuyển này, mình làm tất cả những gì mình có thể để có thêm nhiều “lợi thế cạnh tranh hơn”: nhờ tất cả các anh chị YSEALI Alumni mình thân thiết nhận xét bài luận, phỏng vấn mô phỏng, tham gia buổi sharing của các anh chị YSEALI tổ chức, …
1.2. Hoạt động ngoại khóa
Giống như trong mô tả về chương trình, bạn cần thể hiện được:
1.2.1. Kỹ năng lãnh đạo
Kỹ năng lãnh đạo có thể là trong nhóm, dự án, hoạt động cộng đồng, tổ chức, công ty …. Tuy nhiên, cũng đừng quên là lãnh đạo người khác, lãnh đạo đội ngũ bắt đầu từ việc bạn lãnh đạo bản thân tốt như thế nào nhé.
1.2.2. Tác động đến cộng đồng
Khi mình nhờ chị mentor nhận xét bài luận, chị phản hồi rằng cách mình diễn đạt đang giống khoe thành tích cá nhân, chứ không phải mô tả các hoạt động mình làm đem lại tác động đến cộng đồng như thế nào. Hơn nữa, nếu các bạn để ý, có 1 mục liên quan đến việc liệt kê và mô tả thành tích cá nhân rồi, vì vậy, các mục khác nên tập chung vào tác động bạn đem lại đối với xã hội như thế nào.
1.2.3. Yếu tố initiative – bắt đầu, khởi xướng
Yếu tố này được thể hiện ngay ở tên chương trình “Young Southeast Asian Leaders Initiative”, vậy nên đừng quên thể hiện nó trong hồ sơ của bạn nhé.
1.2.4. Hoạt động liên quan đến theme
Nếu theme bạn lựa chọn là Civic Engagement, lưu ý rằng, có nhiều cách để thúc đẩy tinh thần công dân tích cực. Vì vậy, cụ thể hóa tinh thần công dân tích cực bạn muốn tập trung vào là gì. Một chị mình biết thì dùng truyền thông, còn mình dùng giáo dục lãnh đạo để thúc đẩy tinh thần công dân tích cực.
2. Vòng đơn
2.1. Sale bản thân và sale những gì mình làm
Note: Mình muốn nói đến không phải là ghi sai sự thật, mà là điều chỉnh cách ghi để thể hiện đúng những gì bạn làm.
2.1.1. Sale bản thân
Vì bài post dành cho những bạn đã nắm được cơ bản về chương trình, cách viết hồ sơ rồi, nên mình sẽ nói qua:
- Liệt kê tối đa 4 mục đối với mỗi dự án
- Ngắn gọn xúc tích trong mỗi mục
- Lượng hoá các thông tin đưa vào (ví dụ: nếu chỉ đơn thuần gi là “tạo tác động đến học sinh địa phương” thì hội đồng chưa rõ bạn tạo tạo tác động như thế nào? Đến bao nhiêu người? Vì tạo tác động cho 10 người khác hẳn tạo tác động cho 1000+ người đúng không? Thay vào đó, bạn có thể ghi là “tạo tác động đến 1000+ học sinh địa phương”).
2.1.2. Sale tổ chức
Ngoài việc sale bạn giỏi thế nào, cũng đừng quên sale tổ chức bạn tham gia cũng đỉnh không kém. Có thể có một câu ngắn ngọn tóm tắt về tổ chức bạn tham gia khi đề cập đến nó. Vì đơn giản là: được giải nhì của câu lạc bộ cấp quốc gia, nghe sẽ “xịn mịn” hơn giải nhì của câu lạc bộ cấp trường đúng không?
2.2. Người mentor hỗ trợ và ủng hộ
Khi mình tâm sự với một số người về việc mình được đi trao đổi, câu nói đầu tiên của họ là “đi có 1 tháng thôi à”. Vẫn là những câu nói vu vơ, nhưng vẫn khiến mình buồn một chút. Nhưng cũng vì vậy mà mình biết là mình chỉ là hạt cát trong sa mạc và không bao giờ bằng ai được.
Tuy nhiên, mình không thể phủ nhận được việc các trải nghiệm quá khứ ảnh hưởng đến việc suy nghĩ hành động của mình trong tương lai. Từ nhỏ, khi được 8 điểm, thì mình hay bị nói là phải được 9, 10 chứ. Việc đó khiến đến tận bây giờ, mình bị imposter syndrome – hội chứng kẻ mạo danh, nghĩa là trong tương lai, mình có trở nên giỏi giang thế nào, mình vẫn thấy bản thân không đủ giỏi, mình không tin vào năng lực thực sự của bản thân và nghi ngờ nó nhiều.
Vì lý do đó mà thông thường, tất cả các kế hoạch của mình, mình đều không kể với người thân. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những mentor – người hướng dẫn – tin vào giấc mơ của mình,
“Em thấy em giống như quả trứng hải âu, em chưa biết gì về vùng trời ấy, nhưng em mong mình sẽ gặp được một anh mèo béo tốt bụng, người sẽ sẵn sàng dạy em bay”.
– Nhược Lạc (Have a sip – Cơm nhà nói chung là êm)
Mình từng hỏi một người bạn/người anh thân thiết là: niềm tin vào bản thân nên xuất phát từ bên trong hay xuất phát từ bên ngoài. Nghĩa là tin tưởng bản thân tự mình có hay là được người khác bồi đắp. Anh bảo là nên đến từ bên trong vì nếu đến từ bên ngoài, một ngày người ta không tin em nữa, em sẽ sụp đổ.
Tuy nhiên, đối với mình, nó là một mối quan hệ tương hỗ. Giống như câu chuyện “con gà quả trứng”, không biết bắt đầu từ đâu, giống như việc mình tin vào bản thân mình lần này có thể trúng tuyển, nó có thể đến từ bản thân mình đầu tiên, hoặc có thể là đến từ bên ngoài, các anh chị trong Hanoi Speakers Toastmasters, các mentors luôn tin tưởng vào giấc mơ của mình.
Whether you think you can, or you think you can’t–you’re right.
– Henry Ford
(Tạm dịch: Bạn nghĩ mình làm được, hay không làm được thì bạn đều đúng cả).
Nếu bạn không tin tưởng vào bản thân mình, thì bạn đã thua ngay từ bước đầu. Tuy nhiên, các mentors cũng có thể là người khiến bạn tin tưởng vào bản thân hơn. Đây cũng chính là điều YSEALI đem lại cho mình đó là khiến mình tin vào bản thân mình nhiều hơn, dám mơ mộng và sẵn sàng hành động vì ước mơ đó.
2.3. Người nhận xét bài luận
Với kinh nghiệm của mình được học từ thầy Hồ Lê Vũ (2 lần học bổng toàn phần bậc thạc sĩ và tiến sĩ tại Mỹ), nếu có thể, cần có ít nhất 3 người cần đọc bài luận của bạn:
2.3.1. Một người rất giỏi Tiếng Anh
Người này sẽ đảm bảo việc hồ sơ của bạn chỉn chu nhất có thể. Từ những thứ đơn giản như là: không sai lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp hay đến những thứ khó hơn như văn phong, cách hành văn, độ mạch lạc trong câu từ. Với người đầu tiên này, mình tin tưởng anh Bách Tất với background ngành ngôn ngữ. Anh cũng là một người cực kỳ logic nên có thể nhận xét giúp mình về độ mạch lạc trong bài luận.
2.3.2. Một người rất hiểu bạn
Người này sẽ giúp bạn biết được con người bạn đang thể hiện trong hồ sơ đã mô tả chính các con người bạn bên ngoài hay chưa. Từ đó, bạn có thể có những điều chỉnh cần thiết.
2.3.3. Một người rất hiểu về chương trình YSEALI
Người này sẽ giúp bạn biết được những gì bạn thể hiện đã đúng với chân dung ứng viên mà chương trình đang tìm kiếm hay không. Mình cũng muốn kể một sai lầm mình từng mắc phải. Trong lần thứ 2 mình ứng tuyển YSEALI, mình lắng nghe nhận xét từ một anh đỗ học bổng Fulbright, học bổng toàn phần cho người đi làm đến Mỹ học thạc sĩ trong 02 năm. Nhận xét của anh vẫn hữu ích, vì anh biết chương trình học bổng Mỹ họ cần gì. Tuy nhiên, có thể anh chưa hiểu YSEALI họ cần ứng viên thế nào. Vì vậy, sau khi nghe nhận xét của anh trong lần thứ 2 ứng tuyển, mình bị rớt. Lần thứ 3 ứng tuyển, mình chọn toàn anh chị đỗ YSEALI nhận xét giúp mình, từ đó mình đậu và được vi vu trời tây trong 05 tuần.
TÁI BÚT
Đây là phần kinh nghiệm đầu tiên của mình. Mong là sẽ hữu ích với bạn. Cùng đón xem bài viết “Kinh nghiệm ứng tuyển chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) – Phần 2” của mình để xem vòng phỏng vấn bạn nên thể hiện như thế nào nhé.
A Mindful Observer.
HД±zlД± kaydolun! Depozitonuzu tГјketmeyi bД±rakД±n! BugГјn kumarhaneyi yen! Size bonus verildi! KAYDOLUN VE BONUSLAR ALIN Daha hД±zlД± kayД±t ol!
++>> https://site.com/?gennick05
Em chúc mừng chị ạ🎉. Chị Lương đỉnh quá aaaa👏
Cảm ơn em toi nhiều nha 😘